Quy định Giám đốc Công an tỉnh được hàm Thiếu tướng không làm vượt số lượng tướng trong CAND

ANTD.VN - Thảo luận về dự án Luật Công an nhân dân (CAND) sửa đổi tại Quốc hội sáng nay, 14-6, nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm nhiều xoay quanh quy định Giám đốc Công an một số tỉnh/ thành được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I được trần quân hàm Thiếu tướng.

ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) góp ý về dự án Luật CAND (sửa đổi)

Theo bộ máy mới, 85% quân số Công an sẽ bố trí ở địa phương

Phát biểu tại hội trường Quốc hội, ĐB Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) nêu rõ, quan điểm cá nhân ông tán thành Dự thảo Luật CAND (sửa đổi) quy định Giám đốc Công an tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng.

Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An phân tích, theo quy định hiện hành, Đảng, Nhà nước đã giao cho Bộ Công an được bố trí số lượng tối đa 205 tướng, Bộ Quốc phòng là 415 tướng (theo thông báo của Bộ Chính trị). Quan điểm của lãnh đạo Bộ Công an cũng như quan điểm khi xây dựng dự án Luật CAND (sửa đổi) là không làm tăng thêm cấp hàm tướng so với số lượng được giao.

Theo quy định hiện hành, Giám đốc Công an tỉnh có chức vụ tương đương Cục trưởng, được đề bạt trực tiếp lên Thứ trưởng. Ngược lại, các Cục trưởng muốn lên Thứ trưởng phải luân chuyển về các địa phương trọng điểm để đào tạo theo quy định của Đảng ít nhất 3 năm.

“Thế nên, nếu hai cấp bậc hàm này chênh nhau quá lớn thì rất khó thực hiện việc luân chuyển và không hợp lý về mặt chính sách. Hơn nữa, công việc của công an các tỉnh/ thành rất nhiều, quân số cũng rất lớn và tới đây sẽ tiếp tục tăng lên khi thực hiện chủ trương cải cách bộ máy của ngành Công an theo hướng bộ tinh, tỉnh mạnh” – Đại tá Nguyễn Hữu Cầu phân tích.

“Với những lý lẽ như trên, tôi ủng hộ chính sách Giám đốc Công an các tỉnh/ thành phố loại 1 được trần cấp hàm Thiếu tướng. Chính sách này sẽ tạo thuận lợi cho việc luân chuyển, đào tạo lãnh đạo trong CAND theo chủ trương của Đảng, Nhà nước” – ĐB Nguyễn Hữu Cầu nói.

Vẫn góp ý về quy định này, ĐB Lê Tấn Tới (đoàn Bạc Liêu) phân tích thêm, thực hiện Nghị quyết 22 năm 2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, chủ trương của Bộ Công an là bố trí theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”.

ĐB Tới nêu rõ, theo cách bố trí này thì 85% quân số sẽ được bố trí ở công an địa phương. Hiện nay, quân số công an một tỉnh thấp nhất khoảng 3.000 quân, lực lượng rất đông và khối lượng công việc rất lớn. Do đó, quy định theo hướng Giám đốc Công an tỉnh được phong cấp hàm cao nhất là Thiếu tướng là phù hợp và không làm tăng số lượng cấp tướng trong lực lượng CAND sau khi thực hiện luật.

Đề xuất giao Bộ trưởng Công an bổ nhiệm Cục trưởng Cục đặc biệt

Quy định Giám đốc Công an tỉnh được hàm Thiếu tướng không làm vượt số lượng tướng trong CAND ảnh 2

ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum)

Trước đó, ĐB Tô Văn Tám (đoàn Kom Tum) đánh giá cao việc Bộ Công an đã linh hoạt tích hợp Pháp lệnh Công an xã vào dự thảo Luật CAND (sửa đổi) mà không đề nghị ban hành Luật Công an xã riêng.

Góp ý cụ thể về quy định thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức trong dự thảo Luật CAND (sửa đổi), trong đó có quy định Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Công an và Cục trưởng Cục đặc biệt, ĐB Tô Văn Tám cho rằng: theo quy định của Hiến pháp và Luật tổ Chính phủ, Thủ tướng bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức chức vụ Thứ trưởng và tương đương. Còn Luật CAND hiện hành quy định, Thủ tướng bổ nhiệm các chức vụ Thứ trưởng, Tổng cục trưởng, Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh, Bộ trưởng Bộ Công an bổ nhiệm những chức vụ còn lại.

“Nay Bộ Công an sẽ tổ chức bộ máy mới, sắp xếp tinh gọn không còn cấp Tổng cục, Bộ Tư lệnh và chế độ Chính ủy. Mặt khác theo phân cấp quản lý cán bộ hiện hành của Ban chấp hành Trung ương Đảng thì Ban Bí thư quản lý cấp Thứ trưởng. Như vậy Bộ Công an chỉ còn lại chức vụ Thứ trưởng thuộc diện quản lý của Ban Bí thư.

Do đó dự thảo Luật nên quy định theo hướng Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an, còn thẩm quyền bổ nhiệm Cục đặc biệt nên giao cho Bộ trưởng Bộ Công an, như thế sẽ phù hợp với quy định phân cấp quản lý cán bộ và Luật tổ chức Chính phủ” – ĐB Tô Văn Tám góp ý và cho biết thêm, cần bổ sung thêm những tiêu chí cơ bản của Cục đặc biệt để khi tiến hành thành lập Cục này sẽ thuận lợi hơn.

Ngoài ra, qua thảo luận, đa số ĐBQH tán thành với quy định về việc bố trí lực lượng công an xã, thị trấn là công an chính quy.