Phản ánh của phụ huynh học sinh: Thu tự nguyện đang bị biến tướng

ANTD.VN - Việc lắp đặt máy điều hòa, máy chiếu, hay các thiết bị phụ trợ trong trường công lập nói chung chủ yếu được thực hiện từ nguồn xã hội hóa do kinh phí ngân sách có hạn. Mặc dù, đây là hoạt động cần thiết nhằm tăng cường điều kiện học tập, sinh hoạt cho học sinh nhưng việc tổ chức theo kiểu cào bằng, biến đóng góp “tự nguyện” thành “bắt buộc” đang khiến nhiều phụ huynh bức xúc.

Cần lắp điều hòa nhưng không thể thu tiền của phụ huynh theo kiểu bắt buộc

Đóng tiền triệu để sắm điều hòa

Việc lắp đặt điều hòa, máy chiếu tại nhiều trường học ở Hà Nội hiện đã là hoạt động phổ biến nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho học sinh trong học tập. Tuy nhiên, đây được cho là các khoản xã hội hóa vì không nằm trong danh mục những thiết bị trường học bắt buộc và được chi trong ngân sách. Phản ánh từ nhiều phụ huynh cho thấy, việc xã hội hóa này là tự nguyện nhưng đang bị biến tướng theo kiểu cào bằng, ai cũng phải đóng, dù không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện kinh tế.

Phản ánh từ phụ huynh trường Mầm non Mễ Trì cho biết, mỗi phụ huynh phải đóng 200.000 đồng tiền lắp điều hòa cộng với các khoản tiền trông xe, đồng phục… Khi được hỏi về phản ánh này, bà Nguyễn Thị Chuyên - Hiệu trưởng trường Mầm non Mễ Trì khẳng định, tất cả các khoản thu: Quỹ trường, quỹ lớp, tiền lắp điều hòa..., nhà trường đều làm từng bước, đúng quy trình.

Việc lắp đặt thêm trang thiết bị ở lớp học là cần thiết nhưng không thể thu tiền của phụ huynh theo kiểu bắt buộc

“Việc thu 200.000 đồng lắp điều hòa, do trước khi vào năm học, một số lớp học ở tầng 1 thiếu nên Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đã vận động theo hình thức xã hội hóa. Phụ huynh nào có điều kiện thì đóng tiền, không thu cào bằng” - Hiệu trưởng trường này cho biết.

Về việc thu tiền gửi xe, trường này có thu 100.000 đồng/phụ huynh/5 tháng vì khu đô thị hóa nhanh, phụ huynh đông, trường đã mất xe nhiều lần, phụ huynh đến trường bắt đền nên phải phát vé trông xe theo đề xuất của phụ huynh. Tuy nhiên, bà Chuyên thừa nhận: “Việc này là không hợp lý, nhà trường sẽ điều chỉnh lại. Ngoài ra, chúng tôi sẽ rà soát toàn bộ việc thu chi để có sự điều chỉnh hợp lý. Đặc biệt, trường sẽ dừng ngay việc thu tiền xe của phụ huynh từ tháng 11-2016”.

Tương tự, tại trường Tiểu học Nam Thành Công, phản ánh từ phụ huynh bức xúc về việc phải đóng 1,2 triệu đồng tiền điều hòa và máy chiếu. Theo báo cáo của nhà trường, việc thu 1,2 triệu đồng để lắp đặt điều hòa và máy chiếu là có nhưng chỉ xảy ra ở lớp 2, lớp 1 chưa được lắp mới. Tuy nhiên, việc thu do Ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra tổ chức và theo tinh thần tự nguyện chứ không cào bằng. 

Xã hội hóa có quy định nhưng vẫn vướng

Theo ý kiến của đại diện các trường này thì việc lắp đặt điều hòa, máy chiếu có thể coi là quà, tài trợ từ phía phụ huynh và nếu là hành động tự nguyện thì nhà trường được quyền tiếp nhận theo Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, ở đây đang có sự lẫn lộn giữa tài trợ và việc huy động đóng góp từ Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Theo yêu cầu của Sở GD-ĐT Hà Nội, việc huy động xã hội hóa thì nhà trường phải lên kế hoạch, báo cáo các cấp quản lý và chỉ được thực hiện khi được cấp quản lý trực tiếp chấp thuận. Còn nếu là tài trợ, nhà trường có thể nhận mà không phải xin ý kiến hay cần sự chấp thuận của Phòng hay Sở GD-ĐT. Thực chất, có thể có phụ huynh đứng ra tài trợ hoặc tặng cho nhà trường nhưng con số này rất nhỏ. Đa số các lớp vẫn phải huy động từ tập thể phụ huynh để tự trang thiết bị điều hòa, máy chiếu cho lớp học của con mình.

Tuy nhiên, theo Khoản 4, Điều 10 Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh thì lại quy định: Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học một trong số các khoản như khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường… 

Sở GD-ĐT Hà Nội cũng quy định, Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp các gia đình những khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện, không phục vụ trực tiếp cho các hoạt động của Hội cha mẹ học sinh như: bảo vệ cơ sở vật chất, an ninh trường học, trông xe, vệ sinh lớp, khen thưởng giáo viên, mua sắm trang thiết bị dạy học…

Có thể thấy giữa quy định và nhu cầu thực tế đang có sự vênh nhau khi máy chiếu cũng được coi là thiết bị dạy học. Bên cạnh đó, việc thực hiện thu ở nhiều nơi chưa đúng theo quy định trên tinh thần tự nguyện, không cào bằng.

Để hạn chế những khoản lạm thu, các hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh cần có người chịu trách nhiệm. Theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội, thủ trưởng các cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên về các khoản thu sai quy định cũng như để xảy ra tiêu cực trong việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu trái quy định. 

35 trường học ở Thanh Hóa phải trả lại khoản thu trái quy định

Chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các đơn vị trường học trên địa bàn năm học 2016-2017, Phòng GD-ĐT TP Thanh Hóa cho biết, đến nay có 35 trường học thu những khoản trái với quy định đã và đang hoàn trả lại cho phụ huynh.

Được biết, Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa đã yêu cầu các trường không được thu tiền của cha mẹ học sinh để phục vụ chi thường xuyên mà ngân sách Nhà nước đã bố trí cấp theo quy định.

Đối với các trường đã thu những khoản thu trái với quy định, phải hoàn trả cho phụ huynh, đơn vị nào vẫn cố tình vi phạm, còn để xảy ra tình trạng lạm thu thì hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước Chủ tịch UBND thành phố và chịu hình thức kỷ luật theo mức độ vi phạm. Theo đó, Phòng GD-ĐT TP Thanh Hóa sẽ phải kiểm tra, thống kê nội dung các trường đã trả lại tiền cho cha mẹ học sinh, báo cáo trước ngày 31-10-2016.