Nhận diện và phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ khi đến trường

ANTD.VN - Liên tiếp các vụ tai nạn thương tích xảy ra trong thời gian gần đây khiến một số trẻ bị mù mắt, gãy chân, thận chí mất mạng khi đến trường khiến các bậc cha mẹ vô cùng hoang mang, lo lắng.

Không chỉ bị hỏng mắt, gãy chân và một số tai nạn thương tích khác trong nhà trường, không ít học sinh còn gặp tai nạn trên đường đi học. Theo nhiều phụ huynh, một trong những lý do dẫn đến tình trạng này là do các trường chưa quan tâm đúng mức đến việc đảm bảo an toàn cho trẻ. Bên cạnh đó, việc trang bị các kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích đối với trẻ em cũng chưa được chú trọng.

Những vụ việc đau lòng

Mới đây, tại một trường Tiểu học ở huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, em V.P.A – một học sinh lớp Một đã bị mù mắt trái do bị một bạn cùng lớp dùng thước gỗ vô tình ném trúng mặt. Dù đã được gia đình nhanh chóng đưa đi cấp cứu song mắt trái của P.A đã hỏng vĩnh viễn do chấn thương rất nặng.

Trước đó, cuối tháng 12-2016, ở một trường Tiểu học thuộc thị xã Cẩm Phả, Quảng Ninh, em L.Y.N - học sinh lớp 4 của cũng bị bạn cùng lớp phi bút thủng mắt ngay trong giờ học. Hậu quả là mắt của N đã bị thủng nhãn cầu, thủng giác mạc, vĩnh viễn không còn nhìn thấy ánh sáng.

Học sinh bị xe taxi đâm gãy chân khi đang chơi trong sân trường Tiểu học Nam Trung Yên

Còn tại trường Tiểu học Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy, Hà Nội, vụ việc một học sinh bị xe taxi đâm gãy chân khi đang chơi trong sân trường đã gây xôn xao dư luận trong thời gian dài. Điều đáng nói là sau khi xảy ra sự việc trên, Hiệu trưởng trường này không những không nhận trách nhiệm và còn có hành vi lấp liếm nhằm che giấu sự thật. Tuy vậy, cái kim trong bọc lâu ngày cũng bị lòi ra, Hiệu trưởng và Phó hiệu phó trường Tiểu học Nam Trung Yên bị cách chức và nhận những hình thức kỷ luật về Đảng.

Cũng tại Hà Nội, ngày 10-5 vừa qua, tại trường mầm non Mai Dịch, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, cháu V.Q.A hơn 2 tuổi trong lúc giáo viên không để ý đã leo lên cửa sổ từ tầng 2 của phòng máy tính và ngã xuống đất. Rất may cháu Q.A chỉ bị xây xước nhẹ.

Không chỉ bị tai nạn thương tích trong nhà trường mà một số học sinh còn gặp tai nạn trên đường đi học. Mới đây nhất, ngày 17-5, CQĐT Công an tỉnh Bắc Ninh đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Phạm Tuấn Thành (31 tuổi) để điều tra hành vi vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Ông Thành được xác định là người đã lái xe Camry tông vào hai xe đạp điện và một xe máy làm chết 3 học sinh.

Những vụ việc đau lòng trên đã khiến dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm của nhà trường và xã hội trong việc đảm bảo an toàn cho học sinh khi ở trong và ngoài nhà trường. Chị Nguyễn Thị Phong Lan ở đường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: “Con tôi đã 3 tuổi, tôi chuẩn bị cho cháu đi học mầm non nhưng lại rất lo lắng về việc đảm bảo an toàn cho bé, chỉ lo ở trường con bị ngã, bị thương tích, bạo hành”…

Hãy luôn để mắt đến trẻ

Thông thường, các tai nạn thương tích thường gặp đối với trẻ trong độ tuổi đi học bao gồm, tai nạn do ngã, do thiết bị đồ dùng đồ chơi ngoài trời (thiết bị cũ, lâu ngày không được kiểm tra nên xảy ra hỏng hóc, sập) hay do đuối nước, ngộ độc thức ăn. Ngoài ra, trẻ còn dễ bị thương tích do vật sắc nhọn, do bị ngạt đường thở, do bỏng, điện giật, tai nạn giao thông…Có thể nói, chỉ cần một vài phút lơ là của người lớn, tai nạn thương tích đối với trẻ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Trẻ em trong độ tuổi đi học thường rất hiếu động, tò mò, nghịch ngợm nhưng lại thiếu kiến thức, kỹ năng phòng, tránh nên rất dễ xảy ra tai nạn thương tích. Vì vậy, vấn đề bảo đảm an toàn cho trẻ, các trường cần có biện pháp đảm bảo an toàn ở mọi khu vực trong khuôn viên nhà trường, từ hành lang, cầu thang, thiết bị trong phòng học, tới đồ dùng học tập, đồ chơi ngoài trời… Ngoài ra, mỗi giáo viên cũng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, đặc biệt là trong giờ ra chơi, không cho trẻ leo trèo cầu thang, ban công, không để trẻ chơi đùa vật sắc nhọn, đánh, đuổi nhau trong lớp.

Nhằm phòng tránh tai nạn thương tích với trẻ, theo Bác sỹ Nguyễn Minh Hiếu – Bệnh viện E, với đuối nước, người chăm sóc trẻ cần thường xuyên để mắt đến trẻ, không để trẻ chơi đùa một mình bên cạnh các vật dụng chứa nước như chum, vại, xô, bể nước, hố nước. Khi thấy trẻ có biểu hiện đuối nước cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nước và làm thông đường thở, nếu trẻ đã bất tỉnh phải hà hơi, thổi ngạt. Để phòng tránh trẻ bị ngộ độc cần chú ý cách ly hoặc để xa tầm với của trẻ các loại thuốc hóa chất như thuốc chữa bệnh, bình xịt muỗi, thuốc tẩy rửa…

Về phòng tránh ngã, người lớn cần thường xuyên nhắc nhở trẻ không được chạy nhảy, nô đùa, xô đẩy nhau khi ở nhà, ở trường, trên đường đi học, đi chơi. Khi phát hiện trẻ có dị vật trong đường thở cần nhanh chóng lấy dị vật ra khỏi mũi miệng của trẻ bằng cách để trẻ cúi hoặc nằm sấp trên đùi, vỗ mạnh nhiều lần vào lưng giữa hai vai trẻ để dị vật bật ra ngoài. Để hạn chế những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc, phụ huynh cần phối hợp với thầy cô giáo dạy trẻ tuân thủ Luật giao thông, không dàn hàng ngang trên đường, không đùa nghịch, không phóng nhanh vượt ẩu…

Tai nạn thương tích đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của trẻ em. Nhằm hạn chế tai nạn xảy ra trong các trường học, thầy cô, phụ huynh và các em học sinh cần thường xuyên trang bị cho mình các kỹ phòng ngừa tai nạn và vận dụng nghiêm túc, linh hoạt những kỹ năng đã được học trong các tình huống cụ thể. Và điều quan trọng nhất là người lớn cần thường xuyên quan tâm, để mắt đến trẻ nhỏ ở mọi nơi, mọi lúc.