Ngày toàn dân phòng chống ma túy 26-6:

Nghiện ma túy hoàn toàn có thể cai được

ANTD.VN - Với chủ đề “Cộng đồng chung tay hỗ trợ người nghiện”, Tháng hành động phòng, chống ma túy năm nay tập trung vào việc kêu gọi toàn dân chung tay giúp đỡ, hỗ trợ người nghiện cai nghiện và hòa nhập cộng đồng.

Xóa bỏ sự kỳ thị và quan tâm đào tạo nghề là điều cần thiết giúp người nghiện ma túy tránh đi vào “vết xe đổ”

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tái nghiện cao là do nhận thức của người nghiện, gia đình người nghiện và cộng đồng xã hội về điều trị, cai nghiện ma túy chưa đầy đủ. Người nghiện luôn mặc cảm, tự ti, buông xuôi, phó mặc, thiếu ý chí và quyết tâm cai nghiện; Cộng đồng xã hội còn phân biệt đối xử, xa lánh với người nghiện. Chính vì vậy, người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH kêu gọi, xã hội, gia đình, người thân hãy là động lực quan trọng, thiết thực nhất để giúp người nghiện từ bỏ ma túy.

Hàng nghìn người đã từ bỏ được ma túy

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm, tính đến tháng 5-2017, cả nước đã tổ chức điều trị, cai nghiện và quản lý sau cai cho hơn 100.000 người nghiện, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội tại các địa phương. Tuy nhiên, công tác cai nghiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Tình hình tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp, nhiều địa phương sau 2 năm tỷ lệ tái nghiện còn cao.

Người nghiện ma túy đã có ở 100% các tỉnh, thành phố với gần 90% quận, huyện và khoảng 70% xã, phường, thị trấn. Người nghiện cũng đã xuất hiện ở mọi thành phần trong xã hội như học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, viên chức, người lao động… Đa số người nghiện ma túy có trình độ văn hóa thấp với khoảng 10% không biết chữ và 59% có trình độ văn hóa từ tiểu học tới trung học cơ sở. 

Các chuyên gia cho rằng, dù việc điều trị cai nghiện rất khó khăn, phức tạp nhưng nếu bản thân người nghiện quyết tâm cùng sự giúp đỡ của gia đình, chính quyền, cộng đồng thì hoàn toàn có thể cai nghiện thành công. 

Đáng chú ý, khoảng 2/3 số người nghiện chưa từng được đào tạo nghề, gần 20% đã được học nghề nhưng không được cấp chứng nhận, chứng chỉ và khoảng 12% là được đào tạo nghề một cách chính quy, được cấp bằng, chứng chỉ tốt nghiệp. Hầu hết người nghiện ma túy không có nghề nghiệp ổn định, chi tiêu chủ yếu từ nguồn hỗ trợ của gia đình, thu nhập hợp pháp chỉ bằng 1/3 số tiền chi cho sử dụng ma túy. Khoảng 50% người nghiện đã gặp những vấn đề sức khỏe tâm thần và các vấn đề sức khỏe thể chất. Thời gian qua, ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, đã có hàng nghìn người sau cai nghiện 3-5 năm chưa tái nghiện. 

Có thể trở thành người có ích

Chia sẻ thông tin về những điển hình trong công tác cai nghiện, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, nhiều người từng nghiện nặng, nghiện có thâm niên nhưng đã quyết tâm cai nghiện, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, được cộng đồng ghi nhận, bầu làm Công an viên, tổ trưởng Tổ tự quản… Một số người hiện đang là chủ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, chủ nhiệm câu lạc bộ, nhóm đồng đẳng và tích cực tham gia các hoạt động giúp đỡ người cùng cảnh ngộ.

Ví dụ như trường hợp anh Tống Duy Thanh, tổ dân phố - Xóm Chợ II, thị trấn Mường Khương, tỉnh Lào Cai từng là người nghiện và buôn bán ma túy đã hoàn lương, hòa nhập cộng đồng, phát triển kinh tế xã hội, đồng thời là tình nguyện viên trong Đội tình nguyện tích cực tham gia các hoạt động giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện, ổn định cuộc sống. Hay anh Nguyễn Anh Tuấn ở phường Hùng Vương, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ đã cai nghiện ma túy được 10 năm, ổn định cuộc sống, được chính quyền và nhân dân tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố Tân Trung và là tình nguyện viên.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, có thể khẳng định được một điều là nghiện ma túy hoàn toàn có thể cai được. Từ bỏ ma túy, người nghiện hoàn toàn có thể trở thành người có ích cho xã hội. “Những hướng nhìn về việc cai nghiện ma túy theo chiều tối sẽ giảm đi. Những chia sẻ của người cai nghiện thành công cũng sẽ giúp nhà quản lý có cái nhìn khác về công tác này”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh, để cai nghiện thành công, ngoài sự quyết tâm của người nghiện cần có sự hỗ trợ của gia đình và cộng đồng về mọi mặt như y tế, tâm lý và xã hội phù hợp với nhu cầu của từng người. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, thay đổi cách tiếp cận về cai nghiện và hỗ trợ sau cai nghiện, tuyên truyền giảm kỳ thị với người nghiện ma túy. Một hướng đi nữa cần quan tâm là nâng cao chất lượng đào tạo nghề, dạy nghề cho người nghiện sau cai.

Đa dạng hóa các hình thức điều trị, cai nghiện ma túy

Đầu tháng 6-2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Chỉ thị về tăng cường công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy trong tình hình mới. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu đa dạng hóa các hình thức điều trị, cai nghiện ma túy như cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện, điều trị thay thế bằng Methadone và kết nối các dịch vụ hỗ trợ xã hội sẵn có tại địa phương.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, nâng cao năng lực hệ thống tổ chức thực hiện công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy, tăng cường công tác quản lý người nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện.

Đáng chú ý, tại Chỉ thị này, Thủ tướng cũng yêu cầu tổ chức nghiên cứu, sản xuất các bài thuốc và phương pháp điều trị, cai nghiện ma túy an toàn, hiệu quả, đặc biệt là điều trị các rối loạn do sử dụng ma túy tổng hợp. Nhân rộng sử dụng các bài thuốc Đông y do Việt Nam sản xuất như Cedemex, Heantos, Bông Sen...

Tin cùng chuyên mục