Nghẹn ngào tưởng niệm chiến sỹ hy sinh vì chủ quyền biển đảo Tổ quốc

ANTD.VN - 194 thành viên Đoàn công tác số 12-2017 ra thăm Trường Sa không giấu được niềm xúc động trong lễ tưởng niệm các chiến sỹ hải quân hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Lễ tưởng niệm các cán bộ chiến sỹ hy sinh trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc được tổ chức trên boong tàu HQ571 đang neo đậu giữa biển Đông, nơi yên nghỉ của các liệt sỹ.

Tại lễ tưởng niệm, các thành viên tàu HQ571 được nghe kể về tấm gương và sự hy sinh anh dũng của những người con đất Việt để bảo vệ sự bình yên và toàn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đó là hình ảnh Trạm trưởng Bùi Xuân Bổng cùng các đồng đội tại nhà giàn DKI/3 Phúc Tần căng mình chống chọi với sức tàn phá của cơn bão có sức gió giật cấp 12 đổ bộ biển Đông chiều 4-12-1990. Đêm đen ập xuống, bão mỗi lúc một mạnh lên, nhà giàn bị quật đổ cuốn trôi cả 8 cán bộ chiến sỹ xuống biển, 3 đồng chí đã mãi mãi nằm lại biển khơi; là hành động cao đẹp của Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng - Trạm phó Chính trị Nhà giàn DKI/3 Phúc Tần trong cận kề sự sống và cái chết đã nhường chiếc áo phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho người chiến sỹ yếu nhất để rồi ra đi vào cõi vĩnh hằng.

Và còn đó, ý chí quyết tâm, chấp nhận hy sinh để bám trụ Nhà giàn DKI/16 Phúc Nguyên tới cùng của Đại úy Vũ Quang Chương - Trạm trưởng và 2 Chuẩn úy Nguyễn Văn An, Lê Đức Hồng trong cơn bão số 8 năm 1998; hay tấm gương của Thượng úy Phạm Tảo, Thượng úy Trần Văn Là, Chuẩn úy Lê Tiến Cường, chiến sỹ Tạ Ngọc Tú, Hồ Văn Hiền... dũng cảm hy sinh thân mình trước giông bão, tìm kiếm, cứu vớt đồng đội bị nạn.

Giữa biển trời thiêng liêng của Tổ quốc, những bông hoa cúc vàng cùng hơn 200 con hạc trắng do tự tay các thành viên đoàn công tác gấp đã được thả xuống biển khơi, gửi gắm lòng biết ơn vô hạn với những anh hùng liệt sỹ đã hiến dâng xương máu, tính mạng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo đất nước.

Sau sự kiện ngày 14-3-1988 trên quần đảo Trường Sa, nhận biết rõ âm mưu, tham vọng của nước ngoài, để kịp thời giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc và các hoạt động phát triển kinh tế trên biển, ngày 5-7-1989, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định thành lập Cụm kinh tế - Khoa học - Dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam. Trong suốt 28 năm qua nhiều thế hệ cán bộ, chiến sỹ Hải quân đã tiếp bước nhau đảm nhận nhiệm vụ trên các nhà giàn thuộc thềm lục địa phía Nam gian khổ và khắc nghiệt này.