Nghề làm tranh Đông Hồ trở thành di sản phi vật thể quốc gia

ANTĐ - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa đưa nghề làm tranh dân gian Đông Hồ vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. 

Xuất hiện từ thế kỷ XVI ở làng Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh), trải qua hàng thế kỷ, nghề làm tranh Đông Hồ được biết đến là một trong những nghề thủ công truyền thống đặc sắc của dân tộc. Được sản xuất từ những đôi tay khéo léo của nghệ nhân, tranh Đông Hồ sử dụng chất liệu sẵn có trong thiên nhiên để tạo nên những màu sắc đường nét, bố cục hài hòa, tươi sáng.

Những tranh Đàn lợn, Đám cưới chuột, Hứng dừa… phản ánh một cách hồn hậu, dung dị đời sống sinh hoạt của người dân Việt Nam và từ lâu được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nghề làm tranh này đã ít nhiều bị mai một, chỉ còn một vài nghệ nhân tâm huyết gìn giữ và gắn bó với nghề. Việc đưa nghề làm tranh Đông Hồ vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể là biện pháp góp phần giữ gìn và phát triển, nâng cao ý thức bảo tồn những giá trị đặc sắc của dòng tranh này.