Ngày mới ở Đồng Tâm

ANTD.VN - Sau khi điểm nóng ở thôn Hoành được tháo gỡ, chiều 22-4, không ai bảo ai, người dân tháo bỏ những chướng ngại vật còn sót lại. “Mời các bác đi lại tự nhiên, đến chỗ nào trong làng cũng được”…

Cuộc sống bình yên đã trở lại với xã Đồng Tâm, Mỹ Đức (Hà Nội)

Tâm thế cởi mở, nhẹ nhàng thấy rõ ở Đồng Tâm từ chiều 22-4, cảm giác ấy cứ làm tôi nhớ mãi phản ứng thảng thốt của anh chủ hiệu tạp hóa trẻ tuổi tên Dũng ở thôn Đồng Mít hôm trước, vừa bán xong chai nước đã giục giã khách đi ngay, vì “vừa có người làng đi qua đánh mắt vào”.  Cánh tay trái của Dũng băng miếng gạc to tướng, hậu quả của cú ngã xe máy tối hôm trước, khi vào làng Hoành đón con đi học thêm về. “Em quen đường thế, mà lúc bị soi đèn pin vào mặt, vẫn khớp, ngã vật cả người và xe”, Dũng buồn buồn kể lại. Hay một nhân chứng khác, ông Duy, cũng ở thôn Đồng Mít.

Trong câu chuyện ngay đầu làng, ông Duy nhẩm tính: “Mỗi ngày như thế này, làng tôi mất tiền tỷ”. Sao vậy? Cả xã có trên dưới 10.000 nhân khẩu; trong độ tuổi lao động, kiếm ra tiền, ước khoảng 5.000-7.000 người. Nhưng mà buộc phải dừng hết. Số tiền tỷ thiệt hại chỉ là khái toán thấp nhất, cho công nhật mỗi người bình quân 150.000 đồng/ngày.  

Một cụ cao niên của Đồng Tâm bày tỏ tại buổi Chủ tịch UBND TP cùng đại diện các cấp, ngành chức năng trung ương và thành phố về tận xã lắng nghe, giải đáp kiến nghị của người dân, là cuộc “gỡ giải mối rối lớn”. Mối rối ấy đến từ nhiều nguyên nhân và nó đã được hóa giải từ sự cầu thị, chân thành, nghiêm túc, chia sẻ và hết sức thẳng thắn.

Xã Đồng Tâm (Mỹ Đức,Hà Nội) đã trở lại vớinhịp sống bình yên.Mong rằng những chuyện buồn sẽ không lặp lại...

“Chọn đúng thời điểm để làm mát điểm nóng”, đó là nhìn nhận của nhà sử học Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội, sau khi ông dự buổi lắng nghe, trao đổi, giải đáp kiến nghị của người Đồng Tâm, cùng đoàn Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Nói một cách đơn giản hơn như anh Trần Đức Tuấn (xóm 1, thôn Hoành), buổi làm việc và những quyết định, chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố đã giúp không chỉ người Đồng Tâm giải tỏa gánh nặng tâm lý ngàn cân.

Buổi chiều 22-4, anh Tuấn mở toang cửa, mời mọi người vào khoảnh sân nhỏ nhà mình, ngay dưới chân cột loa truyền thanh, để nghe trực tiếp thông tin phát ra từ hội trường UBND xã. Khi thông tin 19 cán bộ chiến sỹ công an đã được bàn giao, anh Tuấn bước vội vào nhà, ôm chặt cậu con trai mới hơn 4 tuổi. Chị Trịnh Thị Thu (thôn Trung, xã Thương Lâm giáp ranh Đồng Tâm) cúi xuống, khẽ đưa vạt áo lên chấm mắt. Còn bác Nguyễn Văn Ơn (thôn Đồng Mít) đến lúc ấy dường như mới dám tựa mạnh vào lưng ghế nhựa…

Một tuần mà dài như thế kỷ! Những cảnh bình yên con trẻ đạp xe ríu rít trên đường làng, người già tụ tập chơi cờ dưới gốc cây, rồi bóng khói quyện ở quán thịt nướng nhỏ trong thôn Hoành… Gần gũi, thân thương thế, mà đã có lúc thật khó khăn, cách trở. 

Đồng Tâm trở lại với sự bình dị vốn có, mong là như thế. Song mong muốn lớn hơn, đó là làm sao để không phụ tình cảm, sự quan tâm mà thành phố đã dành cho; được cụ thể hóa trước tiên bằng kinh phí hỗ trợ nâng cấp trục đường chính chiều dài 800 mét nối thôn Hoành với thôn Đồng Mít.

Cuộc sống bình yên đã trở lại với xã Đồng Tâm, Mỹ Đức

Làm sao để luôn xứng đáng, giữ gìn truyền thống làng Anh hùng - danh hiệu được phong tặng xã Đồng Tâm thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Làm sao để xứng đáng với sự hy sinh của 186 liệt sỹ, sự cống hiến thầm lặng của 11 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, những người con của Đồng Tâm. Họ đã cống hiến, tận hiến vì đất nước, vì Thủ đô.

Giờ là lúc người dân dành thời gian để quay lại chăm chút cho gia đình, lao động làm giàu trên mảnh đất quê hương, đồng thời giáo dục con cháu sống và làm việc theo pháp luật, giữ gìn truyền thống cách mạng tốt đẹp của quê hương.