Năm 2018 thuận lợi hơn, tại sao không đặt tăng trưởng vượt mức 6,7%?

ANTD.VN - Lý giải việc năm 2018 có nhiều điều kiện thuận lợi song tại sao lại chỉ chọn khoảng an toàn 6,5-6,7%, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng điều này Chính phủ trung thành phương châm tăng trưởng hiệu quả, bền vững chứ không chạy theo tốc độ.

Sáng 24-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020.

Tăng trưởng bền vững chứ không chạy theo tốc độ

Tăng trưởng kinh tế 2017 đạt mục tiêu đề ra, song theo đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), kết quả đáng mừng hơn là đạt ổn định kinh tế vĩ mô, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước. 

Đại biểu Hoàng Văn Cường

Theo đại biểu Cường, kết thúc năm 2017 Việt Nam nhiều khả năng vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 6,7%. Và sang năm 2018 có thể nhìn thấy nhiều điều kiện thuận lợi hơn như tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo tốt hơn, các thiết lập quan hệ kinh tế của thế giới bắt đầu đi vào hình thành. Đặc biệt sau APEC 2017, Việt Nam sẽ thiết lập được nhiều mối quan hệ hơn, trong khi đầu tư trong nước có nhiều triển vọng. “Với các điều kiện phát triển kinh tế tốt hơn 2017, tôi cho rằng không có gì quá khó khăn để đạt tăng trưởng 6,5% đến 6,7% trong năm 2018, như Chính phủ đặt ra”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhận định.

Lý giải việc tại sao trong bối cảnh có nhiều điều kiện thuận lợi như thế, chúng ta lại không đặt chỉ tiêu cao hơn, thay vì chọn khoảng an toàn 6,5-6,7%, đại biểu Cường nói: “Điều này chứng tỏ mục tiêu của Chính phủ không phải chạy theo “lượng” mà rất trung thành với phương châm đổi mới tăng trưởng, đó là tăng trưởng hiệu quả, bền vững chứ không chạy theo về mặt tốc độ. Đấy là điều chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn là mục tiêu đạt chỉ tiêu tăng trưởng cao".

Giáo dục nghề nghiệp đang có lãng phí

Đánh giá bức tranh kinh tế sáng hơn rất nhiều, phát triển đúng hướng song đại biểu Lê Quân (đoàn Hà Nội) cho rằng người dân cần tốc độ đổi mới nhanh hơn. 

Theo đại biểu Quân, trong việc đổi mới ngoài việc đổi mới về cơ quan chủ quản, chủ sở hữu, cơ quan đại diện… thì còn cần đồng bộ cơ chế đổi mới các doanh nghiệp nhà nước. Trên thế giới, các tập đoàn lớn đâu có chủ và có rất nhiều người đồng sở hữu. Khi đó họ đưa ra nguyên tắc quản trị để làm sao, cổ đông nhỏ nhất đến cổ đông lớn nhất đảm bảo quyền lợi. Còn thực tế tại Việt Nam, những cái đó hơi lệch so với thông lệ quốc tế, vì vậy thời gian sắp tới cần đổi mới cơ chế quản lý”.

Đại biểu Lê Quân cho rằng cần thay đổi nhận thức xã hội, không phải trượt đại học mới đi học nghề.

Cho rằng giáo dục nghề nghiệp đang có lãng phí, đại biểu Lê Quân phân tích: “Hiện nay chi phí đào tạo bình quân cho một em sinh viên sau 3-4 năm học đại học rất lớn. Chi phí nhà nước, xã hội gia đình đầu tư hơn trăm triệu đồng. Tuy nhiên, học xong nhu cầu việc làm đòi hỏi không nhiều, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp khát nhân lực, người tốt nghiệp thì không có việc.

Bình quân thu nhập của cử nhân ra trường đi làm 5-7 triệu đồng/tháng. Như vậy mất rất nhiều năm mới bù được khoản tiền bỏ ra cho đào tạo. Đặc biệt, ở trình độ cao, học xong lại ở trạng thái chờ việc gây lãng phí nếu quay lại làm những việc phổ thông, lao động giản đơn hơn thì không phù hợp với hành vi”.

Từ đó, đại biểu Lê Quân cho rằng cần thay đổi nhận thức xã hội, không phải trượt đại học mới đi học nghề.

“Một chủ tịch tỉnh có tới 24 con cháu trong bộ máy”

Phát biểu trong phiên thảo luận tổ sáng nay, đại biểu Nguyễn Văn Được (đoàn Hà Nội) băn khoăn về công tác cán bộ hiện nay và nhấn mạnh: "Công tác cán bộ quyết định thành công hay thất bại của mọi vấn đề".

Năm 2018 thuận lợi hơn, tại sao không đặt tăng trưởng vượt mức 6,7%? ảnh 3

Đại biểu Nguyễn Văn Được bày tỏ băn khoăn với công tác cán bộ và phòng chống tham nhũng hiện nay

"Chủ tịch một tỉnh mà con trai, con gái, dâu rể, cháu... lên tới 24 người trong bộ máy mà toàn học tại chức thì làm sao chính quyền bộ máy mạnh được. Trung ương đã rất mạnh mẽ và phải làm tốt hơn nữa. Chủ trương của chúng ta kiên quyết chống tham nhũng, xử lý không có vùng cấm nhưng chống ở đâu khi người có quyền có tiền mới tham nhũng chứ dân không tham nhũng chẳng qua chỉ lấn chiếm chút ít. Vừa qua tham nhũng toàn là cán bộ đảng viên. Có quyền có tiền có chức mới tham nhũng chứ không có quần chúng nào cả. Tới đây Chính phủ phải làm quyết liệt thanh tra kiểm tra vấn đề này", đại biểu Nguyễn Văn Được nói.