Năm 2018: 80% người dân Hà Nội sẽ hài lòng với thủ tục hành chính

ANTD.VN - Bộ Nội vụ vừa công bố báo cáo tình hình triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS 2015). Điểm đáng chú ý, vẫn còn tình trạng người dân phải trả thêm tiền ngoài phí, lệ phí phải nộp theo quy định.

Gọn rồi, phải gọn nữa

Sáu thủ tục hành chính đã được chọn để triển khai SIPAS 2015 gồm: cấp Giấy Chứng minh nhân dân, sổ đỏ, Giấy phép xây dựng, Giấy đăng ký kết hôn, Giấy khai sinh và chứng thực. Đây đều là những thủ tục hành chính có liên quan mật thiết tới đời sống của người dân, được người dân và xã hội đặc biệt quan tâm, gồm cả các thủ tục phức tạp, khó khăn cũng như các thủ tục đơn giản, dễ dàng.

Kết quả khảo sát cho thấy, kênh phổ biến mà người dân, tổ chức thường sử dụng để tiếp cận các thủ tục trên là thông qua chính quyền phường, xã; chỉ có từ 4-8% người dân, tổ chức tiếp cận thông tin qua mạng internet. Với 6 thủ tục này, có tới 51,8-69,3% người dân, tổ chức được hỏi đánh giá việc tiếp cận thông tin là dễ dàng, thuận tiện. Trong số những người được hỏi, số người hài lòng chiếm từ 73,7-86,l% ở cả 6 thủ tục được khảo sát. Thủ tục cấp sổ đỏ có tỷ lệ người dân hài lòng về tiếp cận dịch vụ thấp nhất (73,7%).

Về sự phục vụ của công chức, 6 thủ tục nói trên nhận được 54,5-71,8% số ý kiến cho rằng công chức lịch sự, đúng mực trong giao tiếp; 52,9-72,9% đánh giá công chức chu đáo, tận tình; 54-72,8% đánh giá công chức hướng dẫn rõ ràng, dễ hiểu... Tỷ lệ người dân cảm thấy hài lòng về sự phục vụ của công chức ở 6 thủ tục là từ 74,3-87,2% (cấp sổ đỏ là thủ tục được đánh giá thấp nhất, cả về chất lượng công chức cũng như mức độ hài lòng về công chức).

Đáng chú ý, toàn bộ 6 lĩnh vực đều có tình trạng người dân phải trả thêm tiền ngoài phí, lệ phí phải nộp theo quy định của Chính phủ, chiếm 4,9-28,4% số người được hỏi. Cũng theo kết quả khảo sát, người dân đề nghị phải tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính…

Sẽ khảo sát qua mạng

Chỉ ra một số mặt hạn chế trong công tác lấy ý kiến đánh giá, Bộ Nội vụ cho biết, người dân, tổ chức chưa có thói quen phản hồi thông tin đối với cơ quan hành chính Nhà nước nên còn e ngại tham gia hoặc trả lời khảo sát qua loa. Lãnh đạo, công chức ở nhiều cơ quan, địa phương chưa có nhận thức đầy đủ nên chưa thực sự ủng hộ, hỗ trợ và có trách nhiệm thực hiện việc này. Thậm chí, còn xảy ra tình trạng cố tình phát phiếu khảo sát không đúng đối tượng…

Là một trong những địa phương đầu tiên lấy ý kiến người dân, tổ chức về chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công, Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, thành phố coi đây là một trong những giải pháp để hướng tới đạt được mục tiêu 80% sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính thành phố vào năm 2018 (sớm hơn 2 năm so với mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ).

Từ thực tiễn triển khai, Sở Nội vụ Hà Nội kiến nghị nên quy định rõ thời gian công bố kết quả xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức để các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố căn cứ kết quả để có những biện pháp khắc phục kịp thời những mặt chưa làm tốt. Sở Nội vụ Hà Nội cũng kiến nghị, khi chính quyền điện tử của các địa phương đã tương đối phát triển thì có thể khảo sát trên môi trường mạng Internet để tiết kiệm kinh phí.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, cải tiến, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả các phương pháp khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức đang triển khai hiện nay như bấm nút trên kiốt, màn hình cảm ứng, iPad tại bộ phận một cửa, khảo sát online, dịch vụ nhắn tin...

“Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng, áp dụng thêm các hình thức khảo sát khác như trực tuyến trên mạng internet, qua điện thoại, nhằm tiếp cận đông đảo hơn nữa đối tượng điều tra xã hội học” - ông Nguyễn Trọng Thừa nói.