Mở rộng diện người thân của quan chức trong quy định chống tham nhũng

ANTD.VN - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn cho biết, việc so sánh tình hình tham nhũng năm 2017 với 2016 hay dự báo năm 2018 tăng hay giảm là rất khó.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn giải trình tại phiên họp

Ngày 6-9, phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tập trung cho ý kiến vào dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Theo Thanh tra Chính phủ, qua các vụ án tham nhũng nghiêm trọng được xử lý vừa qua, Chính phủ đã nhận diện được những sơ hở, bất cập… để có biện pháp ngăn chặn. 

Đã phát hiện được những sơ hở

Góp ý vào báo cáo phòng chống tham nhũng của Chính phủ do Thanh tra Chính phủ trình tại phiên họp này, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, các vụ án về tham nhũng đang được điều tra, xét xử hiện nay đa phần là những vụ đã xảy ra cách đây gần chục năm như: vụ Hà Văn Thắm, vụ Trịnh Xuân Thanh từ thời điểm 2009; vụ Vinashin, vụ Phạm Công Danh cũng ở giai đoạn đó. 

Theo Thứ trưởng Lê Quý Vương, từ một số vụ việc này, có ba yếu tố cần phải bàn đến. Đó là thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng chưa hiệu quả; tính công khai minh bạch trong hoạt động của các cơ quan chưa cao. Thứ hai là đạo đức công vụ của cán bộ, vấn đề lợi ích nhóm. Thứ ba là kiểm toán nội bộ và thanh tra chuyên ngành cũng chưa đạt hiệu quả. 

Dự thảo báo cáo của Chính phủ có nêu: “Kết quả phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã có tác dụng răn đe nhất định và góp phần làm giảm tham nhũng…”; “tình hình tham nhũng năm 2018 dự báo sẽ tiếp tục có dấu hiệu giảm…”. Băn khoăn với nhận định này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ nêu rõ, “tham nhũng có giảm hay không?”. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn giải trình, nhận định “giảm” nói trên không nhằm mục đích khẳng định tình hình tham nhũng năm 2017 giảm hơn năm 2016 hay dự báo tình hình tham nhũng năm 2018 giảm hơn năm 2017. 

Theo ông Đặng Công Huẩn, kết quả tích cực trên các mặt công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua chính là những dấu hiệu, chỉ báo về xu hướng giảm của tình hình tham nhũng trong thời gian tới. “Chính phủ, các ngành, các cấp đã nhận diện được những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách và nhất là trong khâu tổ chức thực hiện, thanh tra, kiểm tra, giám sát… Từ đó đã kịp thời có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục nên năm 2017 cũng như thời gian tới sẽ khó có thể xảy ra các vụ việc nghiêm trọng tương tự”, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.

Sót quy định cấm bổ nhiệm “anh chồng, em chồng”

Về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) do Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh trình bày tại phiên họp, nội dung nhận được nhiều ý kiến quan tâm là mở rộng diện người thân của quan chức trong quy định chống tham nhũng.

Cụ thể, dự thảo quy định lãnh đạo của các cơ quan (gồm người đứng đầu hoặc cấp phó) không được tuyển dụng, bổ nhiệm vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, bố đẻ, bố nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, bố mẹ chồng, bố mẹ vợ, anh chị ruột, em ruột, anh em rể, chị em dâu làm một số công việc như: tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho hoặc làm việc tại các vị trí có nguy cơ phát sinh tham nhũng... Dự thảo cũng quy định, cấp có thẩm quyền không bố trí một nhân sự nào đó làm lãnh đạo khi có người thân làm các công việc nêu trên. 

Ngoài ra, dự thảo cũng có một chương riêng với nhiều quy định mới về kê khai tài sản, nhằm hướng tới việc kiểm soát được tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và một số người có chức vụ, quyền hạn khác. Bên cạnh đó, để khắc phục tính hình thức trong việc kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập, dự thảo lần này đã bổ sung quy định về cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập…

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng lần này được người dân rất kỳ vọng. Hiện nay, dư luận đang quan tâm một số vụ việc liên quan đến người nhà của cán bộ, trong đó có những vụ việc xuất phát từ quy định hiện hành chỉ cấm “người đứng đầu, cấp phó ở các cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp”. Bà Lê Thị Nga cho rằng, quy định này đã được điều chỉnh đáng kể khi dự thảo đã mở rộng diện người thân của cán bộ lãnh đạo. “Tuy vậy, phần quy định này vẫn còn thiếu đối tượng là anh chồng, em chồng” - bà Lê Thị Nga phân tích.