Mạnh tay cắt thủ tục "hành là chính" (3): Phải bắt đầu từ nhu cầu của người dân

ANTĐ -  “Cải cách hành chính phải gắn với mong muốn của người dân”. Đó là quan điểm của ông Nguyễn Văn Tứ, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), đơn vị được thành phố đánh giá rất cao trong công tác CCHC thời gian qua. 

Mạnh tay cắt thủ tục "hành là chính" (3): Phải bắt đầu từ nhu cầu của người dân ảnh 1Người dân phải được xem là chủ thể chính trong tiến trình cải cách hành chính 

Còn “cát cứ”, dân còn khổ

- PV: Từng nhiều năm lăn lộn với cải cách hành chính, quan điểm của ông về tinh gọn thủ tục hành chính như thế nào?

- Ông Nguyễn Văn Tứ - Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm: CCHC phải từ thực tiễn cuộc sống và nhu cầu của người dân, đừng bao giờ bắt đầu từ nhu cầu của cơ quan quản lý. Từ trước tới nay, trong chương trình CCHC, có rất nhiều mô hình, mục tiêu, chỉ tiêu nhưng nhiều cái không phải thứ người dân mong đợi. Người dân không quan tâm tới cách làm của cơ quan quản lý.

Theo tôi, điều quan trọng là họ phải được hưởng 3 lợi ích. Một là, các loại hồ sơ cần nộp vào cơ quan Nhà nước phải ngày càng đơn giản, dễ hiểu, dễ khai, càng ít giấy tờ càng tốt. Cái đầu tiên mà người dân hay va phải là không biết khai hồ sơ thế nào, cứ mang tới nộp lại bị trả về, phải làm đi làm lại rất khổ. Anh giảm thời gian giải quyết nhưng hồ sơ phức tạp, người dân phải khai đi khai lại nhiều lần thì còn ý nghĩa gì? 

Thứ hai, phải giảm số lần người dân tới cơ quan Nhà nước. Cần hạn chế tối đa việc bà con cứ phải đi hết nơi này tới nơi khác để làm thủ tục. Thứ ba, phải giảm được thời gian chờ đợi để được nhận kết quả giải quyết thủ tục. Ở đây là giảm thời gian theo luật định, chứ nếu luật nói 10 ngày, cứ làm đúng như thế thì không phải mong đợi của dân. Người dân muốn chỉ 8 ngày, 5 ngày là xong. Khi ấy, anh mới được đánh giá cao. 

- Qua thực tế, quận đã rút ra những bài học nào khi rút gọn những thủ tục hành chính phức tạp và gây nhiều phiền toái cho nhân dân?

- Trong giải quyết thủ tục hành chính, cái gì liên quan tới cùng một đối tượng thì tất cả các cơ quan đang thụ lý độc lập phải phối hợp với nhau. Hồ sơ dùng chung và nếu có sự kết nối bằng công nghệ thông tin (CNTT) thì còn rất nhiều thủ tục có thể rút ngắn được nữa. Nếu vẫn duy trì giải quyết thủ tục theo kiểu “cát cứ”, không ứng dụng CNTT thì dân còn khổ nhiều. 

Dân không được lợi thì làm làm gì

- Nhiều thủ tục đã gọn lại nhưng lãnh đạo thành phố vẫn muốn rút ngắn hơn nữa, theo ông, chúng ta có làm được không?

- Năm 2015, quận Nam Từ Liêm đã rút ngắn thủ tục liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi từ 27 ngày còn 7 ngày và cũng có người hỏi tôi có gọn được nữa không? Xin thưa là năm nay, chúng tôi sẽ rút tiếp từ 7 ngày xuống còn 3 ngày, bắt đầu từ 1-3 tới. Tại sao năm ngoái chưa làm ngay mà năm nay mới làm? Hay là cải cách phải từ từ? Không phải thế, năm ngoái chưa làm được vì về nguyên tắc, CATP Hà Nội phải cho phép quận kết nối vào Cơ sở dữ liệu dùng chung của CATP.

Cùng đó, phần mềm “một cửa” của quận, CATP, Bảo hiểm xã hội thành phố phải liên thông với nhau và cho phép khi UBND các phường nhập dữ liệu vào thì tự động chuyển tới CATP và BHXH thành phố. Trước đây, vì chưa liên thông nên chúng tôi phải làm thủ công, tức là phải gửi kết quả tới từng cơ quan riêng rẽ nên mới là 7 ngày. Vừa rồi, sau khi quận báo cáo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đồng ý cho phép quận kết nối với phần mềm của CATP và BHXH thành phố. Thế nên, từ 1-3, thủ tục phức tạp này sẽ tiếp tục được rút ngắn còn 3 ngày.

Cùng đó, chúng tôi đang xem xét cắt giảm nhiều thủ tục khác. Luật chỉ cấm làm quá hạn chứ không cấm xong trước hạn. Cứ nói cải cách mà số lần đi lại, thời gian thụ lý không giảm, hồ sơ vẫn phức tạp thì làm làm gì. Nói cải cách nhưng khi hỏi dân được lợi gì thì không trả lời được, như thế là cải cách suông, làm theo phong trào, chúng tôi không làm vậy. Không gian để cải cách còn rộng, vấn đề là có làm hay không thôi.

Gỡ “nút thắt” liên thông

- Thủ tục nào có nhiều cơ quan, sở, ngành dính vào thường giải quyết mất rất nhiều thời gian, thưa ông?

- Liên thông là khâu yếu nhất của chúng ta hiện nay. Nguyên nhân trước hết là do hệ thống pháp luật còn có sự chia cắt, thiếu tính liên kết. Luật không bắt buộc phải liên thông mà người Việt Nam thì cái gì bắt mới làm, còn không mặc kệ, nhất là khi làm sẽ vất vả hơn. Ở khâu thực thi tại cơ sở, tâm lý chung cũng không thích liên thông. Bên cạnh đó, hiện nay, mỗi cơ quan hành chính thường thuê một đơn vị làm phần mềm và các doanh nghiệp CNTT này thường mạnh ai nấy làm, không có sự kết nối. Có tới hàng nghìn loại ô tô, khi một xe chết máy, tất cả các xe khác đều có móc kết nối để kéo xe hỏng đi. Phần mềm hành chính lại không như vậy, chúng không được thiết kế để kết nối được với nhau.

- Vậy cách nào gỡ “nút thắt” liên thông, thưa ông?

- Vướng ở đâu thì gỡ ở đó. Đầu tiên vẫn phải là cơ chế, chính sách pháp luật từ Trung ương. Tiếp đó, ở cơ sở, chúng ta phải phát hiện ra điều người dân cần như tôi đã nói ở trên và khi đã vào cuộc thì phải quyết làm cho bằng được. Khi chúng tôi cắt thủ tục ở quận, cũng có đơn vị liên quan không hợp tác, đưa ra nhiều lý lẽ, nói “luật quy định xong trong 10 ngày, cứ làm đúng thế là được rồi”. Chúng tôi mới hỏi lại là “luật có quy định nào cấm rút ngắn thủ tục không?”, rồi bằng cách này cách khác, chúng tôi cũng thuyết phục được họ phối hợp và thực tế là công việc rất trôi chảy. Tất nhiên, quy trình phối hợp phải minh bạch, rõ ràng về trách nhiệm thì liên thông mới hiệu quả được.

Đừng nói một đằng làm một nẻo 

- Liệu bộ máy, nhân lực có kịp chuyển mình để thích ứng với những quy trình siêu rút gọn tới 90% như quận đã làm?

- Nếu làm đúng luật là 10 ngày trong khi cải cách chỉ cho phép có 3 ngày, tức là 7 ngày thuộc về phần “cống hiến”, mà “cống hiến” thì không bắt buộc. Bắt làm nhanh mà biên chế giữ nguyên, lương không tăng thì cán bộ phải “gồng” người lên để “cống hiến”. Thế nên, muốn kết quả cải cách bền vững, chúng ta phải đầu tư cho CNTT và có chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho cán bộ. Nếu không như vậy, chắc chắn họ vừa làm vừa ấm ức hoặc khi lãnh đạo lỏng tay là họ sẽ không “cống hiến” nữa. Chúng tôi sẽ đề xuất thành phố cơ chế để giải quyết vấn đề này. 

- Thủ tục có ngắn gọn tới đâu nhưng nếu cán bộ vẫn duy trì lối làm việc hành dân thì việc giải quyết thủ tục hành chính không thể tăng tốc, thậm chí tiêu cực, sách nhiễu vẫn phổ biến, thưa ông?

- Chế độ đãi ngộ là yếu tố cơ bản hàng đầu. Ở ta, đây vẫn là câu chuyện dài. Cùng với đó, phải có cơ chế làm sao để cán bộ không thể và không dám vi phạm. Ngoài cải cách thể chế pháp luật, chúng ta phải ứng dụng CNTT mạnh mẽ hơn để gia tăng kiểm soát. Đồng thời, cần có sự giám sát chặt chẽ từ phía người dân và lãnh đạo. Lãnh đạo phải làm gương, đừng nói một đằng làm một nẻo. Ông bảo cấp dưới cải cách, rút ngắn thế này, thế kia nhưng khi hồ sơ tới bàn ông thì lại “ngâm”, đáng 1 ngày thì 3 ngày chưa ký, thì làm sao cấp dưới họ nghe được...

- CNTT đóng vai trò thế nào trong rút ngắn thủ tục hành chính? Liệu công nghệ có thể là giải pháp chống sách nhiễu hiệu quả, thưa ông?

- Ứng dụng CNTT là con đường tất yếu phải đi, đem lại rất nhiều lợi ích, giúp bộ máy hành chính giải quyết công việc nhanh hơn, minh bạch, công khai, bớt nhũng nhiễu. Khi ấy, chúng ta sẽ hạn chế dần lối giao dịch truyền thống, tức là người dân, doanh nghiệp cứ phải gặp mặt cán bộ Nhà nước mới được việc. Cùng nhờ CNTT, lãnh đạo sẽ dễ kiểm soát quy trình giải quyết thủ tục hơn trước rất nhiều.

CATP Hà Nội đã có bước đột phá, các ngành khác nên theo

“Công tác xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung ở ta hiện nay rất yếu. Trong khi nếu làm tốt khâu này, thì với nhiều thủ tục, người dân không cần nộp hồ sơ, chỉ đưa ra đề nghị là cơ quan chức năng có thể xem xét, giải quyết ngay. Hiện nay, tại Hà Nội, dường như chỉ có CATP Hà Nội đã làm rất tốt công tác xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư dùng chung. Đây là một bước đột phá thực sự và các ngành, lĩnh vực khác cần làm theo như vậy”.

Ông Nguyễn Văn Tứ, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm