Lực lượng Công an sẽ tham gia thi hành án với cả pháp nhân thương mại

ANTD.VN - Ngày 17-5, tại Hà Nội, Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Cơ quan Thường trực Chi hội Luật gia Bộ Công an) phối hợp với Ban nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật (Hội Luật gia Việt Nam) tổ chức cuộc hội thảo lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung 2 đạo luật rất quan trọng.

Cụ thể, 2 đạo luật được đưa ra lấy ý kiến tại cuộc hội thảo này để hoàn thiện dự thảo sửa đổi, bổ sung là Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá.

Đồng chủ trì cuộc hội thảo là TS Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam và Trung tướng, GS.TS Nguyễn Ngọc Anh -  Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an). Hội nghị thu hút sự tham gia đông đảo của đại diện các chi hội luật gia đến từ các cơ quan trung ương, các học viện và Chi hội Luật gia Hà Nội.

Nói về sự cần thiết phải xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá, Trung tướng, GS.TS Nguyễn Ngọc Anh cho rằng sau 10 năm thực hiện, Luật Đặc xá đã thể hiện rõ ý nghĩa nhân văn, nhân đạo cao cả của Đảng và Nhà nước ta. Và tính đến nay, đã có hơn 87.000 trường hợp được đặc xá.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Ngọc Anh nói về tinh thần sửa đổi, bổ sung 2 đạo luật.

Trong đó, tỉ lệ người được đặc xá tái phạm rất ít, chỉ hơn 1.000 trường hợp (chiếm 1,16%). Điều này cho thấy tính đúng đắn của Luật Đặc xá. Tuy nhiên sau một thời gian thực hiện, đặc biệt là kể từ khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực thì đạo luật này đã bộc lộ một số vấn đề hạn chế và không phù hợp với nhiều đạo luật liên quan.

Về cơ sở pháp lý để xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá,  Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh cho biết đó là để phù hợp với Hiến pháp 2013 và đảm bảo sự thống nhất với các đạo luật liên quan, nhất là Bộ luật Hình sự 2015.

Đối với những nội dung mà lần sửa đổi, bổ sung này của Luật Đặc xá được tập trung quan tâm đó là các điều kiện để được hưởng đặc xá; vai trò, thẩm quyền của Chủ tịch nước theo Hiến pháp 2013; thời gian quyết định đặc xá; đặc xá đối với những người có yếu tố nước ngoài và mở rộng thêm một số đối tượng được xét đặc xá.

Về nguyên tắc xây dựng dự luật sửa đổi, bổ sung đó là tiếp tục thể hiện rõ chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước; chính sách khoan hồng, nhân đạo đặc biệt thông qua Chủ tịch nước; rõ khác biệt với các đạo luật liên quan và bảo đảm tính hợp hiến, thống nhất.

Tại dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá, Ban soạn thảo đã đề cập sửa đổi, bổ sung 13/36 điều và bổ sung thêm 3 điều mới. Tuy nhiên, một số tội danh sẽ vẫn không được xem xét đặc xá như đã đề cập trong Luật Đặc xá hiện nay.

Các chuyên gia pháp lý tích cực tham gia đóng góp ý kiến tại cuộc hội thảo. 

Tương tự, đối với Luật Sửa đổi, bổ sung của Luật Thi hành án Hình sự, Trung tướng GS.TS Nguyễn Ngọc Anh cũng cho biết, sau 7 năm thực hiện đã bộc lộ một số vấn đề bất cập. Đơn cử như Bộ luật Hình sự năm 2015 đã đề cập xử lý đối với cả pháp nhân thương mại, song Luật Thi hành án Hình sự lại chưa có cơ chế tương ứng.

“Theo Bộ luật Hình sự thì pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm đối với 33 tội danh. Trong khi đó, Luật Thi hành án lại chưa có cơ chế để thực hiện. Vấn đề này rất mới mẻ và hiện đang khiến các cơ quan thi hành án khá lúng túng” – Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh thẳng thắn nhìn nhận.

Về những nội dung cần lấy ý đóng góp vào dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án Hình sự, đồng chí Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) đặt ra là “thêm việc” nhưng không thêm bộ máy, tổ chức và không thêm đầu mối.

Đặc biệt, thông tin tại cuộc hội thảo, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh cho biết, tinh thần sửa đổi, bổ sung lần này là lực lượng Công an sẽ phải chịu trách nhiệm về thi hành án đối với toàn bộ các loại hình phạt mà người phạm tội phải gánh chịu, chứ không chỉ dừng ở những trường hợp bị phạt tù.

Trong đó, đối với hình phạt mà pháp nhân thương mại phải thi hành thì lực lượng Công an sẽ đóng vai trò phối hợp với các cơ quan liên quan và thực hiện việc kiểm tra, giám sát… Được biết, dự thảo Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi hành án đang đề cập hiện nay sửa đổi tới 40 điều.