"Lối thoát" cho thực phẩm

ANTD.VN - Chính trong cuộc “giải cứu” ngành chăn nuôi lợn vừa diễn ra sôi động trên khắp cả nước mới đây, rất nhiều ý kiến của giới chuyên gia nông nghiệp, các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xuất khẩu thực phẩm cũng như các chủ trang trại chăn nuôi quy mô tầm cỡ đã “mổ xẻ” những điểm yếu cố hữu, những khoảng trống, “lỗ hổng” đã tồn tại quá lâu của ngành thực phẩm Việt Nam giữa thế giới hội nhập ngày càng cạnh tranh khốc liệt.

Không riêng ngành chăn nuôi lợn, gia cầm, hầu hết nông sản có thế mạnh xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam như cà phê, hồ tiêu, hạt điều… đều xuất dưới dạng thô, bỏ qua khâu chế biến. Một vài thương hiệu được người tiêu dùng các nước biết đến chỉ đếm trên đầu ngón tay, thậm chí nông sản Việt qua tay chế biến của các công ty nước ngoài nghiễm nhiên được gắn nhãn mác ngoại. 

Thực trạng xuất khẩu thực phẩm, nhất là thịt lợn, thịt gia cầm càng bi đát hơn. Có lẽ trên thế giới không có quốc gia nào xuất khẩu “lợn cả con” như Việt Nam. Chỉ đến khi cả nước chung tay “giải cứu” hàng triệu hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, manh mún cùng với một số địa phương chăn nuôi tập trung, thì dư luận mới “giật mình” nhìn ra cả một khoảng trống trong hệ thống nhà máy bảo quản chế biến thực phẩm, ngay cả kho cấp đông cũng vừa thiếu, vừa không đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế chưa nói tới yêu cầu khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Trong khi đó, thịt bò, thịt lợn, thịt gà nhập khẩu từ Úc, New Zeland, Mỹ… vượt xa thực phẩm “Made in Vietnam”. Chính vì thế, khi giá thịt lợn hơi xuống dốc, người nuôi lợn lao đao, điêu đứng, ngành chăn nuôi trở tay không kịp, chỉ còn cách kêu gọi người dân, các doanh nghiệp xúm vào cứu giúp. 

Tuy nhiên, “lối thoát” lâu dài, căn cơ cho thực phẩm, nông sản Việt xuất khẩu “ra biển lớn” dường như vẫn chưa thực sự được mở ra thông thoáng. Lâu nay, đã có nhiều giải pháp, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với người chăn nuôi, trồng trọt. Khẩu hiệu gắn kết 3 nhà “Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông” đã được nhắc tới nhiều.

Việc quy hoạch các vùng sản xuất tập trung gắn chặt với các nhà máy chế biến nông sản, thực phẩm cũng đã được triển khai. Việc cung cấp thông tin, nắm bắt nhu cầu thị trường xuất khẩu đã được bàn bạc và thực thi.

Đó là chưa kể hàng hoạt các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ triển lãm khu vực và thế giới cùng với những cam kết phối hợp đồng bộ giữa Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT. Dẫu vậy, đến thời điểm này, “lối thoát” cho thực phẩm Việt nói riêng, hàng hóa nông sản nói chung mới chỉ… hé mở mặc dù đã chỉ đúng hướng.

Đó là đầu tư công nghệ cao vào nông nghiệp, nâng cao chất lượng, thương hiệu Việt thông qua chuỗi giá trị hàng  hóa  gia tăng.

Tại một số hội nghị gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt quan tâm và kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp, một trong những thế mạnh của Việt Nam. Mở “lối thoát” cho nông nghiệp rất cần sự đồng lòng, chung sức của cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và nông dân để chúng ta thoát cảnh “được mùa rớt giá”, kêu gọi “giải cứu” quanh năm.