Loài hổ ở Việt Nam sắp tuyệt chủng

(ANTĐ) - Trong khi hổ hoang dã ở Việt Nam ngày càng có nguy cơ tuyệt chủng thì tình trạng săn bắn, buôn bán, vận chuyển hổ ngày một  gia tăng. Nhu cầu sử dụng lớn, lợi nhuận cao khiến loài hổ đang dường như  chỉ còn tồn tại trên sách báo, tranh ảnh.

Loài hổ ở Việt Nam sắp tuyệt chủng

(ANTĐ) - Trong khi hổ hoang dã ở Việt Nam ngày càng có nguy cơ tuyệt chủng thì tình trạng săn bắn, buôn bán, vận chuyển hổ ngày một  gia tăng. Nhu cầu sử dụng lớn, lợi nhuận cao khiến loài hổ đang dường như  chỉ còn tồn tại trên sách báo, tranh ảnh.

Hổ trong tự nhiên ngày càng suy giảm

Hổ trong tự nhiên ngày càng suy giảm

Nguy cơ tuyệt chủng đã hiện hữu

Số liệu thống kê của Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) cho thấy, hiện cả nước chỉ còn 95 cá thể hổ đang được nuôi nhốt trong các trang trại, vườn thú và rạp xiếc. Còn ngoài tự nhiên, ở sâu trong các cánh rừng từ Bắc vào Nam, theo báo cáo quốc gia về bảo tồn hổ năm 2009 hiện chỉ còn không quá 50 cá thể hổ.

Còn ông Nguyễn Mạnh Hà - Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, số liệu trên chỉ là ước đoán, bởi cho đến nay vẫn chưa có một cuộc điều tra quy mô cụ thể nào để thống kê chính xác số hổ còn trong tự nhiên ở Việt Nam. Theo ông Hà, Việt Nam chỉ còn khoảng 30 con hổ đang sinh sống ngoài tự nhiên. “Hổ Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng là sự thật hiện hữu” - ông Hà nhấn mạnh.

Trước thực trạng trên, báo cáo quốc gia về bảo tồn hổ năm 2009 báo động, quần thể hổ ở Việt Nam đang suy giảm và có nguy cơ tuyệt chủng trong 10 năm tới.

Theo ông Hà, mặc dù Việt Nam đã có những quy định chống săn bắn hổ từ năm 1963 (Nghị định 39/CP), đến năm 1992 đã đưa hổ vào nhóm 1B (Nghị định 18/HĐBT) - nhóm các động vật nguy cấp nhưng quần thể hổ ở nước ta vẫn suy giảm là do chưa kiểm soát chặt được nạn săn bắn và nhu cầu tiêu dùng của xã hội không hề giảm.

Thêm vào đó, điều kiện vật chất có hạn việc triển khai các hoạt động bảo tồn còn hạn chế, hiệu quả của công tác bảo tồn chưa đáng kể và đến nay, chúng ta vẫn chưa xây dựng được một khu bảo tồn riêng dành cho loài hổ.

Khó trông chờ vào các trại  gây nuôi

Theo Liên minh bảo tồn hổ quốc tế, trong 15 năm qua, quần thể hổ ở những quốc gia có hổ phân bố đã giảm đi nhanh chóng, từ 10.000 cá thể xuống còn khoảng 3.500 cá thể hổ hoang dã trên toàn cầu, trong đó được phân bố chủ yếu ở Ấn Độ. Tại Việt Nam, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) đã ghi nhận 16 vụ tịch thu hổ với 29 cá thể kể từ năm 2005 đến nay.

Kết quả điều tra của ENV cho thấy, hầu hết các vụ tịch thu hổ ở Việt Nam thời gian qua đều là hổ đông lạnh, được gây nuôi ở các trang trại và có nguồn gốc từ nước ngoài. Không có con hổ nào xác nhận có nguồn gốc hoang dã ở Việt Nam. Điều này phản ánh mức độ suy giảm nghiêm trọng quẩn thể hổ trong tự nhiên của nước ta hiện nay.

Hiện trên thị trường, giá của cao hổ pha với xương của những loài động vật hoang dã khác dao động từ 7-17 triệu đồng/lạng. Bà Nguyễn Thị Vân Anh, ENV nhận định, kết quả điều tra của ENV cho thấy, hoạt động buôn bán hổ ở Việt Nam chủ yếu tập trung cung cấp cho nhu cầu làm cao hổ và hầu hết, lượng cao hổ này được bán trong nước, không xuất khẩu ra nước ngoài.

Báo cáo quốc gia về bảo tồn hổ năm 2009 nêu rõ, để cứu loài hổ khỏi nguy cơ tuyệt chủng, một trong những việc phải làm ngay là khảo sát, đánh giá chính xác, tìm câu trả lời thuyết phục nhất về số lượng cá thể hổ đang sinh sống tại Việt Nam và phân bố ở những đâu? Trên cơ sở này, sẽ thành lập các vùng bảo tồn hổ ưu tiên.

Báo cáo quốc gia cũng đặt ra mục tiêu kiểm soát có hiệu quả việc săn bắn bất hợp pháp, sử dụng hổ và các sản phẩm từ hổ, đồng thời tăng cường nhận thức của xã hội về bảo tồn hổ và ảnh hưởng của việc sử dụng các sản phẩm từ hổ, kêu gọi người dân thay đổi thói quen tiêu dùng, không sử dụng các sản phẩm từ hổ.

Hiện vườn quốc gia ở biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia là hệ cung cấp mồi cho hổ còn tương đối đảm bảo, có lực lượng chuyên trách bảo vệ vườn… Bởi vậy, thay vì đầu tư bảo tồn hổ dàn trải, chúng ta chỉ nên tập trung vào việc bảo tồn hổ ở một số ít vùng còn có quần thể hổ tự nhiên có động thái phát triển. Mặt khác, theo bà Vân Anh, việc bảo tồn hổ không thể trông chờ vào các trang trại gây nuôi, chiến lược gây nuôi bảo tồn hổ chỉ thực sự được thực thi tại các cơ sở của Nhà nước hoặc các trung  tâm cứu hộ. 

Ngân Tuyền

Tin cùng chuyên mục