Lo bị cắt ngân sách, đại học không muốn tự chủ

ANTD.VN - Sau hơn 10 năm thí điểm tự chủ đại học, cả nước mới có 14 trường được giao tự chủ. GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc nhiều trường không đưa ra phương án tuyển sinh mới thay vì cách tuyển sinh cũ cho thấy họ chưa muốn tự chủ.

Nhiều trường đại học lo việc cắt giảm ngân sách dẫn tới thiếu nguồn thu

Thu không đủ bù chi

“Các trường cần thực hiện tự chủ một cách bài bản. Tự chủ hiện được xác định phải là thuộc tính của trường đại học” - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận, sau 10 năm thí điểm tự chủ, 4 trường đại học đầu tiên thực hiện nhiệm vụ này đã rơi vào thực trạng rất khó khăn do không có nguồn thu thêm. 

Nguyên Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương, GS.TS Hoàng Văn Châu chia sẻ: “Sau 4 năm tự chủ tài chính, trường vẫn không tạo ra được những đổi mới như mong muốn bởi cơ chế thiếu đồng bộ. Ngoài việc phải tự lo kinh phí chi thường xuyên, trường không được hưởng thêm bất cứ quyền hạn, cơ chế gì so với các trường không được giao tự chủ.

Để duy trì hoạt động giảng dạy, trường phải “thắt lưng buộc bụng” để lo chi phí thường xuyên và lương thưởng cho hơn 500 giảng viên”. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, Chính phủ đã cho phép đại học công lập tự chủ thu học phí cao hơn so với quy định mức trần của các trường không tự chủ.

ĐHQG TP.HCM là một trong những đơn vị được trao quyền tự chủ về nhiều mặt hoạt động. PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Phó Giám đốc Thường trực ĐHQG TP.HCM cho biết, việc được tự chủ trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, quản trị đại học đã giúp đơn vị phát huy sức mạnh toàn hệ thống.

Tuy nhiên, quá trình triển khai tự chủ vẫn gặp những tồn tại như việc thiếu cơ chế linh hoạt cho các hoạt động dịch vụ, tăng nguồn thu, cùng với nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước giao để nâng cao chất lượng dịch vụ công cho xã hội; chưa có cơ chế thông thoáng nhằm khai thác cơ sở vật chất sẵn có với các hình thức hợp tác khai thác với các nhà đầu tư để tăng kinh phí phục vụ nghiên cứu…

Còn đại diện trường ĐH Công nghiệp Hà Nội nhấn mạnh, các trường tự chủ hiện nay cần được trao quyền tự chủ về mức thu, đặc biệt là mức thu học phí, lệ phí theo nguyên tắc tính đủ chi phí tiền lương, chi phí hoạt động thường xuyên… Cùng với đó, sinh viên cần được hưởng chính sách tín dụng, cho vay hỗ trợ để mọi người đều có thể tiếp cận giáo dục đại học công.

Tự chủ không có nghĩa là cắt toàn bộ ngân sách

Trước sự dè dặt của các trường đại học trong việc đứng ra tự chủ mọi hoạt động đào tạo, nhân sự, tài chính… Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Các đồng chí hãy bỏ ý nghĩ là nếu tự chủ thì không được Nhà nước đầu tư nữa. Tôi khẳng định tự chủ không phải là Nhà nước không đầu tư mà chỉ là thay đổi cách đầu tư” - Phó Thủ tướng  Vũ Đức Đam cho biết.

Phó Thủ tướng chia sẻ, ở những quốc gia như Đức, Pháp… có tự chủ đại học nhưng Nhà nước vẫn cấp kinh phí. Còn với 14 trường đại học trong nước được trao quyền tự chủ hiện nay, các trường này đều vẫn đang được hưởng các khoản đầu tư lớn của Nhà nước như Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân… đều nhận được những dự án vốn vay của Nhà nước lên tới hàng chục triệu USD.

Theo Phó Thủ tướng, những rào cản trong vấn đề giao quyền tự chủ cho các trường đại học hiện nay đã được tháo gỡ. Ví dụ, về tự chủ bộ máy tổ chức, nhân sự, Bộ Nội vụ có quyết định tháo gỡ căn bản. 

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, hiện nay, dự thảo Nghị định về tự chủ đại học đang được xây dựng, trong đó quy định các trường có thể tự chủ từ đào tạo, mở ngành, hợp tác quốc tế đến nhân sự, nghiên cứu khoa học, mức thu học phí đảm bảo chất lượng đào tạo đã cam kết…

Dự thảo này bổ sung thêm rất nhiều quyền tự chủ cho các trường. “Trong thời gian tới, việc tự chủ trong các trường đại học không chỉ là khuyến khích thực hiện nữa mà là bắt buộc” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định.