Không sợ không kiểm soát được quyền lực, chỉ ngại thiếu minh bạch

ANTD.VN -Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Phương cho rằng, cần giao thẩm quyền vượt trội cho chính quyền địa phương, chủ tịch UBND các đặc khu kinh tế, song đồng thời cũng phải công khai các quyền lực này để có thể giám sát được, tránh việc lạm quyền.

ĐBQH Bùi Văn Phương cho rằng, nếu mọi thứ không minh bạch thì dân cũng không giám sát được

Sáng nay, 4-4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, thảo luận về nhiều vấn đề lớn của dự thảo Luật Đơn vị Hành chính Kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định – đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật này, mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đã được chỉnh lý đảm bảo phù hợp với quy định của Hiến pháp, kết luận của Hội nghị Trung ương và ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Để tăng cường kiểm soát đối với hoạt động của các cơ quan chính quyền địa phương ở 3 đặc khu này, đặt biệt là thẩm quyền của chủ tịch UBND các đặc khu, dự thảo luật đã bổ sung quy định thiết lập cơ chế kiểm soát đặc thù của trung ương đặt tại từng đặc khu thông qua Ban tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu do Thủ tướng Chính phủ thành lập.

“Việc bổ sung cơ chế này cũng là tiếp thu kinh nghiệm của các nước nhằm thử nghiệm phương thức kiểm soát quyền lực mới, đặc thù, tương xứng với thẩm quyền vượt trội của chính quyền địa phương ở đặc khu” – ông Nguyễn Khắc Định nói.

Dù vậy, qua thảo luận, nhiều ĐBQH bày tỏ chưa đồng tình với việc thành lập Ban Tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu bởi Ban tư vấn không phải thiết chế quyền lực nên không đủ năng lực sức giám sát.

Theo các ĐB, Ban này không trực tiếp sử dụng quyền lực nhà nước để tác động đến hành vi của UBND và Chủ tịch UBND đặc khu mà chỉ tổ chức tham vấn, khuyến nghị. Hơn nữa, hàng loạt vấn đề chính quyền địa phương, Chủ tịch UBND đặc khu sẽ phải xin ý kiến Ban trước khi quyết định là chưa phù hợp… Bên cạnh đó, một số ý kiến ĐBQH cũng đề nghị không nên tổ chức theo cấp chính quyền, tức có HĐND ở các đặc khu.

ĐB Bùi Văn Phương, Phó trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Ninh Bình nêu quan điểm, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt thì phải thực sự là một mô hình “đặc biệt”, có nhiều chính sách ưu đãi, thông thoáng hơn và cùng đó phải giao cho chính quyền địa phương, Chủ tịch UBND các đặc khu vượt trội về thẩm quyền, cơ chế vận hành.

Theo ông Phương, “chúng ta không hề sợ không kiểm soát được quyền lực”, chỉ vì lâu nay chưa thực sự công khai minh bạch nên mới có nhiều sai phạm mà không có kiểm soát, giám sát được. 

Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình góp ý thêm về cơ chế kiểm soát quyền lực ở các đặc khu kinh tế. “Cơ quan giám sát có nhiều. Cơ quan Trung ương nào giao thẩm quyền thì cơ quan đó có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, uốn nắn. Nếu đặc khu cố tình làm sai sau khi có cảnh báo thì trách nhiệm thuộc về đặc khu” – ông Phương phân tích.