Không bổ sung Bí thư Tỉnh ủy vào đối tượng cảnh vệ

ANTD.VN - Chiều nay, 20-6, với đa số ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13; Luật Cảnh vệ; Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý

về bộ luật hình sự trước khi biểu quyết thông qua

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 được thông qua với 434 ĐBQH có mặt (88,39%) tán thành. Trước khi toàn văn dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 được biểu quyết, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Điều 19 của Luật này (quy định về việc không tố giác tội phạm) với 84,5% ĐB có mặt tán thành. Trước đó, điều khoản này có rất nhiều ý kiến tranh cãi, đa số giới luật sư đều không đồng tình với việc quy định “luật sư tố giác thân chủ”.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, qua báo cáo cơ quan có thẩm quyền, cân nhắc kỹ nhiều mặt, tiếp thu một phần ý kiến của ĐBQH, của Ban thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, khoản 3 Điều 19 của BLHS 2015 đã được chỉnh lý lại theo hướng thu hẹp hơn phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người bào chữa về hành vi không tố giác tội phạm.

Cụ thể, theo bộ luật này, người không tố giác là người bào chữa (luật sư – PV) phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa. 

Một nội dung khác được quan tâm là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 đã tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH và theo đề nghị của Chính phủ, bổ sung quy định xử lý hình sự trường hợp kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký; hoạt động bán hàng đa cấp trái phép thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng trở lên... Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu lực thi hành từ 1-1-2018.

Các ĐBQH bấm nút thông qua Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

Luật Cảnh vệ được Quốc hội biểu quyết thông qua với 455 ĐBQH có mặt (92,67%) tán thành. Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cảnh vệ trước khi luật được thông qua, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, qua thảo luận, một số ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng cảnh vệ là Chánh án TAND tối cao. Có ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng cảnh vệ là một số lãnh đạo chủ chốt cấp bộ, ngành, cấp tỉnh được áp dụng biện pháp cảnh vệ.

Qua xem xét, UBTVQH nhận thấy, quy định về các đối tượng cảnh vệ tại dự thảo Luật là kế thừa Pháp lệnh Cảnh vệ, đã thực hiện ổn định, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Còn trong trường hợp thật sự cần thiết, Chính phủ sẽ trình UBTVQH bổ sung đối tượng cảnh vệ theo quy định tại khoản 5 Điều 10. Do đó, Luật Cảnh vệ đã giữ nguyên đối tượng cảnh vệ như dự thảo Luật trước đó.

Cụ thể, đối tượng cảnh vệ gồm: Người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (bao gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ). Ngoài ra còn có một số đối tượng khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam.

Luật Cảnh vệ và Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đều có hiệu lực từ 1-7-2018.

Tin cùng chuyên mục