Khai trừ Đảng viên bôi nhọ lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước

ANTD.VN - Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, thay thế Quy định số 181-QĐ/TW, ngày 30/3/2013 của Bộ Chính trị khóa XI.

4 hình thức kỷ luật

Quy định 102-QĐ/TW nêu 4 hình thức kỷ luật đối với Đảng viên chính thức gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ; đối với đảng viên dự bị: Khiển trách, cảnh cáo.

Đảng viên vi phạm đến mức khai trừ thì phải khai trừ, không áp dụng hình thức xóa tên; cấp ủy viên vi phạm đến mức cách chức thì phải cách chức, không cho thôi giữ chức; đảng viên dự bị vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo, không đủ tư cách thì xóa tên trong danh sách đảng viên.

Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không "xử lý nội bộ"; bị tòa án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì phải khai trừ; nếu bị xử phạt bằng hình phạt thấp hơn cải tạo không giam giữ hoặc được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, bị xử phạt hành chính thì tùy nội dung, mức độ, tính chất, tác hại, nguyên nhân vi phạm và các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ mà xem xét, thi hành kỷ luật đảng một cách thích hợp. Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật.

Sau một năm, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật hoặc quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật (trừ quyết định kỷ luật khai trừ), nếu đảng viên không khiếu nại, không tái phạm hoặc không có vi phạm mới đến mức phải xử lý kỷ luật thì quyết định kỷ luật đương nhiên hết hiệu lực.

Quy định mới cũng chỉ rõ: “Không được luân chuyển, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm; phong, tặng, công nhận các danh hiệu của Đảng và Nhà nước đối với đảng viên đang được tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật”.

Đảng viên nghỉ hưu vẫn bị kỷ luật nếu có vi phạm

Đáng chú ý, so với quy định từ năm 2013, văn bản mới bổ sung nội dung "đảng viên có hành vi kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ, lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng sẽ bị khai trừ".

Quy định mới sẽ thay thế Quy định số 181-QĐ/TW, ngày 30/3/2013 của Bộ Chính trị khóa XI về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm

Quy định mới nêu rõ: đảng viên sẽ bị khai trừ nếu cố ý xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nguyên tắc tập trung dân chủ, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện thể chế "tam quyền phân lập", "xã hội dân sự", "đa nguyên, đa đảng"; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng với lực lượng vũ trang; đòi "phi chính trị hóa" quân đội và công an...

"Đảng viên vi phạm đến mức khai trừ thì phải khai trừ, không áp dụng hình thức xóa tên; cấp ủy viên vi phạm đến mức cách chức thì phải cách chức, không cho thôi giữ chức", quy định nêu rõ.

Hình thức khai trừ Đảng cũng được áp dụng với các vi phạm: môi giới, nhận hối lộ trong tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển hoặc nâng lương, nâng ngạch, khen thưởng; hành vi chạy chức; dùng thẻ đảng viên để vay tiền hoặc tài sản; mở tài khoản ở nước ngoài trái quy định; tham gia các hoạt động rửa tiền; tẩu tán tài sản; cản trở việc xác minh tài sản, thu nhập; sử dụng dự thảo kết luận kiểm tra, thanh tra, kiểm toán để đe dọa đối tượng bị kiểm tra nhằm trục lợi…

Ngoài ra, đảng viên kê khai tài sản không trung thực, thiếu trách nhiệm hoặc do động cơ cá nhân làm thất lạc hồ sơ, tài liệu của tổ chức; cung cấp hồ sơ nội bộ cho người không có trách nhiệm cũng bị cảnh cáo hoặc cách chức, thậm chí khai trừ nếu gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Cũng theo quy định mới, Đảng viên sinh con thứ ba vẫn bị kỷ luật. Cụ thể, Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng hoặc vi phạm trong trường hợp sinh con thứ ba (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác) thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

Cản trở, cưỡng bức thực hiện kế hoạch hóa gia đình; tham gia các hoạt động xét nghiệm, chuẩn đoán để xác định giới tính thai nhi trái quy định;

Khai báo hoặc xin xác nhận, giám định không trung thực về tình trạng sức khỏe của vợ (chồng), con để thực hiện không đúng quy định hoặc để trốn tránh không bị xử lý do vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.

Bộ Chính trị quy định, đảng viên sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện vi phạm vẫn phải xem xét, kết luận. Nếu vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì phải thi hành kỷ luật.

"Tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Đảng viên ở bất cứ cương vị nào, nếu vi phạm kỷ luật của Đảng đều phải được xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời", quy định viết.

Quy định này thay thế Quy định số 181-QĐ/TW, ngày 30/3/2013 của Bộ Chính trị khóa XI về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm và có hiệu lực từ ngày ký (15/11/2017), được phổ biến đến chi bộ.