Hệ thống thông minh ngăn chặn tình trạng sách nhiễu người dân, doanh nghiệp

ANTD.VN - Sau gần nửa năm triển khai vận hành, hệ thống “Một cửa điện tử tập trung” tại cơ quan bảo hiểm đã phát huy những hiệu quả tích cực.

Được triển khai từ đầu năm 2017, hệ thống “Một cửa điện tử tập trung” để quản lý, theo dõi trực tuyến công tác tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã góp phần công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, đáp ứng mục tiêu cải cách hành chính, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. 

Hệ thống thông minh ngăn chặn tình trạng sách nhiễu người dân, doanh nghiệp ảnh 1Triển khai “Một cửa điện tử tập trung” giúp đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ, tránh tồn đọng

Theo sát đường đi của hồ sơ

BHXH Việt Nam cho biết, tính từ đầu năm tới nay, đã có gần 15,3 triệu hồ sơ được các đơn vị trong toàn ngành tiếp nhận theo cơ chế “một cửa”. Số hồ sơ được giải quyết cũng chiếm một tỷ lệ lớn, cụ thể có hơn 14,3 triệu hồ sơ được xử lý, đạt tỷ lệ 94,5%. Các hồ sơ còn lại hiện đang được tiếp tục xử lý theo đúng thời hạn. 

Đại diện Vụ Pháp chế (BHXH Việt Nam) cho biết, từ khi triển khai mô hình hệ thống “Một cửa điện tử tập trung” đã cơ bản khắc phục được những khó khăn, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ. Trước đó, các dữ liệu giải quyết thủ tục hành chính của BHXH các địa phương được thống kê, tổng hợp theo hình thức thủ công, gây khó khăn trong quản lý và theo dõi tiến độ giải quyết.

Tại BHXH cấp tỉnh và cấp huyện, bộ phận “Một cửa” sẽ quản lý toàn bộ quy trình nghiệp vụ, từ việc tiếp nhận hồ sơ đến chuyển hồ sơ dữ liệu, thụ lý giải quyết, trả kết quả, tổng hợp báo cáo kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Việc quản lý chi tiết đến ngày, giờ giải quyết hồ sơ, cán bộ thụ lý hồ sơ, cảnh báo tình trạng hồ sơ sắp đến hạn, chậm muộn. Bên cạnh đó, còn quản lý được lượng hồ sơ cần giải quyết, tiến độ giải quyết, tình trạng hồ sơ để có phương án xử lý kịp thời tránh tồn đọng. 

Theo BHXH một số địa phương, trước đây sử dụng giao dịch thủ công, một hồ sơ giải quyết chế độ tăng đóng BHXH cho người lao động mất 20 ngày, nhưng nay thời gian giảm chỉ còn 10 ngày. Đơn vị sử dụng lao động cũng chỉ cần ngồi nhà, đăng ký tài khoản là có thể nhận được chứng từ, kết quả đóng BHXH thay vì mất thời gian liên hệ với cơ quan BHXH và đi lại nhiều lần như trước…

Tăng tốc độ giải quyết

Theo BHXH TP Hà Nội, Hà Nội là địa phương có số người tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT, BHTN lớn nhất nước. Trung bình mỗi tháng, bộ phận “Một cửa” của BHXH TP Hà Nội và BHXH các quận, huyện, thị xã tiếp nhận, giải quyết cho hơn 110.000 lượt tổ chức, cá nhân đến giao dịch với trên 550.000 thủ tục hồ sơ các loại. Đây là áp lực không hề nhỏ với cơ quan BHXH, chính vì vậy yêu cầu cải cách là hết sức bức thiết. 

Cùng với việc xây dựng phần mềm “Quản lý văn bản và điều hành” và nâng cấp trang web của BHXH thành phố lên thành “Cổng thông tin điện tử”, BHXH TP Hà Nội là một trong 4 đơn vị thực hiện thí điểm phần mềm “Một cửa điện tử tập trung”. Việc áp dụng hệ thống “Một cửa điện tử tập trung” đã giúp lãnh đạo và cán bộ phụ trách theo dõi sát đường đi, tiến độ và khả năng xử lý của từng hồ sơ. Đặc biệt, khi máy tính ra “cảnh báo đỏ”, lập tức các bộ phận, cá nhân liên quan phải tập trung tháo gỡ, giải quyết ngay…

Đánh giá bước đầu cho thấy, đã có những chuyển biến quan trọng giúp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Điều này có thể thấy qua con số về tỷ lệ hồ sơ chậm muộn giảm mạnh, từ gần 20% năm 2013 xuống dưới 3% ở thời điểm hiện tại. Mặt khác, nhờ việc quản lý trên phần mềm nên không còn tình trạng thất lạc hồ sơ. 

Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội khẳng định: “Việc triển khai “Một cửa điện tử tập trung” không chỉ giúp nâng cao tinh thần, trách nhiệm của công chức viên chức mà còn ngăn chặn tình trạng sách nhiễu trong quá trình thực thi công vụ. Các đơn vị nghiệp vụ có thời gian để tập trung chủ động giải quyết nhiệm vụ chuyên môn. Ngoài ra, còn giúp người dân giám sát được cách làm việc của cán bộ BHXH”.