Hàng trăm cây cầu yếu đang chờ sập

ANTĐ - Hiện nay, cả nước còn hơn 250 cây cầu yếu, cần sớm được cải tạo. Nếu không được bố trí kinh phí nâng cấp kịp thời, những cây cầu này sẽ trở thành mối nguy lớn đối với an toàn giao thông.

Hàng trăm cây cầu yếu đang chờ sập ảnh 1Cú đâm của chiếc sà lan vào cầu Ghềnh làm thiệt hại 300 tỷ đồng

Tỉnh nào cũng có cầu yếu

Ông Trần Văn  Thọ, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, hiện cả nước còn 251 cầu yếu có tĩnh không thông thuyền thấp hơn thông số kỹ thuật, không đảm bảo cho tàu thuyền lưu thông. Cụ thể, ở khu vực phía Bắc có 70 cầu không đảm bảo kích thước khoang thông thuyền theo kỹ thuật, một số cầu có mố, trụ cầu nằm trong luồng chạy tàu, nhiều vị trí cầu có dòng chảy xoáy, xiên... gây nguy hiểm cho phương tiện qua lại.

Trong đó, 32 cầu phải có phương án đảm bảo an toàn giao thông hoặc cần được dỡ bỏ, cải tạo, nâng cấp như cầu Đuống (sông Đuống), cầu Long Biên (sông Hồng), cầu đường sắt sông đào Hạ Lý, cầu đường sắt Ninh Bình (sông Đáy)… Khu vực miền Trung có 64 cầu không đảm bảo tĩnh không thông thuyền, trong đó có 12 cầu thuộc diện ưu tiên như cầu Hàm Rồng (sông Mã), Yên Xuân (sông Lam), cầu đường sắt Lèn (sông Lèn)… Các cây cầu này đều đã xuống cấp, cần cải tạo để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền đi lại nhưng vì kinh phí có hạn nên chưa làm được. 

Nâng độ tĩnh không của một cây cầu không đơn giản như nâng cấp mặt đường. Đơn cử, cầu Đuống hiện nay có tĩnh không thông thuyền rất thấp, không an toàn cho tàu thuyền qua lại. Song, do cầu Đuống gồm cả đường bộ và đường sắt nên việc nâng độ cao của cầu rất khó khăn và tốn kém. “Đối với đường sắt, nâng cầu lên vài chục centimet đã là cả một vấn đề. Kinh phí nâng cấp rất lớn”, ông Trần Văn Thọ cho biết.

Theo nhìn nhận của Cục Đường thủy nội địa, một số vụ đâm va, kéo sập cầu xảy ra thời gian gần đây không có thiệt hại về người nhưng gây tổn thất rất lớn về kinh tế. Ở vụ sập cầu Ghềnh (Đồng Nai), phải mất tới 300 tỷ đồng để khôi phục cây cầu. Đó còn chưa kể tới thiệt hại của ngành đường sắt mất 5 tháng gián đoạn chạy tàu; kinh phí trục vớt... Trước đó, vụ tàu đâm vào cầu An Thái (huyện Kinh Môn, Hải Dương) cũng thiệt hại hơn 10 tỷ đồng...

Không thể chờ rót tiền xây cầu mới

Các tuyến quốc lộ trên toàn quốc hiện có khoảng 5.869 cây cầu. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường thông tin, từ năm 2004 đến nay, Bộ GTVT đã dùng nguồn vốn ODA, BOT… thay thế được 218 cầu yếu. Bên cạnh đó, Bộ đã chấp thuận cho Tổng cục Đường bộ thực hiện dự án tăng cường, gia cường hệ thống cầu trên quốc lộ với kinh phí 770 tỷ đồng. Giai đoạn I triển khai 78 cầu và giai đoạn II (triển khai sau 2016) là 85 cầu...

Với 532 cây cầu có tĩnh không thông thuyền thấp, Cục Đường thủy nội địa đã lắp đặt cảnh báo từ xa và bố trí lực lượng điều tiết cũng như xây dựng một số hệ thống chống va đập. “Chúng tôi chỉ đáp ứng được kinh phí bố trí phao tiêu, biển báo còn kinh phí để điều tiết 34 vị trí có nguy cơ va trôi tại các cầu nói trên không đủ. Cục đề nghị Bộ GTVT hỗ trợ kinh phí ở 34 vị trí này, lấy từ quỹ phòng chống lụt bão hàng năm”, ông Trần Văn Thọ kiến nghị.

Khẳng định việc điều tiết đường thủy có vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an toàn giao thông, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu, biển cảnh báo, báo hiệu an toàn đường thủy phải được đặt cách cầu khoảng 1km. Tuy nhiên, trên thực tế, các đơn vị chưa làm được điều này. “Trong thời gian tới, cần rà soát lại toàn bộ các cây cầu yếu và tìm giải pháp ngăn chặn tình trạng tàu qua lại đâm va vào cầu. Nếu cứ chờ làm cầu mới thì chưa biết bao giờ mới có tiền để làm. Chúng ta không có giải pháp ngay bây giờ thì chắc chắn tiếp tục xảy ra những vụ sập cầu”, ông Nguyễn Hồng Trường nhìn nhận.

Cũng theo lãnh đạo Bộ GTVT, Bộ này sẽ kiến nghị Chính phủ bố trí gói tín dụng để đầu tư cải tạo cầu yếu, với mục tiêu từ nay đến năm 2020 sẽ xóa toàn bộ cầu yếu trên cả nước. Trước mắt, sẽ ưu tiên cải tạo cầu đường sắt, cầu không đảm bảo tĩnh không thông thuyền.

Bắt đầu trục vớt nhịp dầm cầu Ghềnh

Hôm qua, 27-3, Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 1 - Cienco 1 bắt đầu triển khai trục vớt nhịp dầm cầu Ghềnh bị sà lan kéo sập, chìm xuống sông Đồng Nai. Do vị trí cầu Ghềnh có địa chất thủy văn phức tạp nên đơn vị trục vớt đã xây dựng phương án huy động lực lượng để cắt thanh ray trên nhịp 4 và tách các hạng mục bị đổ sập khỏi phần còn lại của cầu. Các kết cấu dầm cầu bằng thép sau đó được chuyển lên sà lan đưa về điểm tập kết.

Dự kiến, việc trục vớt nhịp dầm cầu bị đâm sập sẽ hoàn thành vào ngày 2-4 để triển khai xây dựng trụ cầu mới. Từ ngày 26-3, các đơn vị liên quan đã bắt đầu khoan thăm dò địa chất để phục vụ cho việc xây dựng lại các trụ cầu Ghềnh.

Ngân Tuyền

Tin cùng chuyên mục