Hà Nội: Đang xem xét cho phép một số điểm vui chơi được mở cửa sau 24h

ANTD.VN - Ngày 15-8, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cùng với các đại biểu HĐND TP, đơn vị bầu cử số 1 (quận Hoàn Kiếm) đã có buổi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 2 HĐND Thành phố khóa XV.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cùng các cử tri quận Hoàn Kiếm

Tại buổi tiếp xúc, cử tri bày tỏ phấn khởi với những kết quả từ kỳ họp thứ 2 HĐND TP khóa XV vừa qua. Cử tri mong muốn HĐND, chính quyền và các ban ngành chức năng cần quyết liệt hơn nữa trong công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những sai phạm để Thủ đô Hà Nội thực sự là Thành phố Hòa bình, ổn định và phát triển, người dân thực sự thanh lịch, văn minh trong ứng xử, giao tiếp, là công dân tốt.

Ủng hộ chủ trương mở rộng phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm vào cuối tuần, cử tri Nguyễn Thị Phượng (phường Hàng Trống) kiến nghị TP quan tâm bố trí hợp lý các điểm trông giữ xe để thuận tiện cho du khách cũng như đảm bảo trật tự văn minh đô thị. Cử tri đánh giá bên cạnh những mặt được, du lịch ở Hà Nội vẫn còn tình trạng chèo kéo, bắt chẹt làm ảnh hưởng đến hình ảnh mến khách của Thủ đô. Để lấy lại niềm tin của du khách, cử tri Nguyễn Bá Vinh (phường Hàng Gai) đề nghị TP yêu cầu các cửa hàng phải niêm yết giá, đảm bảo vệ sinh môi trường; thành lập các bộ phận chuyên trách về quảng bá, xúc tiến du lịch, hỗ trợ du khách...

Cử tri cũng kiến nghị TP quan tâm đầu tư trang thiết bị, dụng cụ xét nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm; có chính sách, cơ chế, phân công khoa học tránh chồng chéo để xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm; vứt đổ rác không đúng nơi quy định…

Thay mặt, đoàn đại biểu HĐND TP đơn vị bầu cử số 1, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung trân trọng tiếp thu các ý kiến xác đáng, tâm huyết của các cử tri.

Liên quan đế vấn đề phát triển du lịch, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, 5 năm tới Hà Nội sẽ xây dựng thêm 20 nghìn phòng khách sạn. Và đến tháng 9 tới đây, Hà Nội sẽ  lắp miễn phí wifi tại một các điểm du lịch trọng điểm. Ngoài ra, theo người đứng đầu TP, Hà Nội đã thiết kế lại tất cả các biển chỉ dẫn và đang quy hoạch lại không gian đi bộ. TP đang xem xét cho phép một số địa điểm vui chơi được mở cửa sau 24h để thúc đẩy du lịch…

Khẳng định TP xác định đưa ngành du lịch thành kinh tế mũi nhọn, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh:  “TP đã đề ra các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng du lịch như trồng mới cây xanh; thu gom vận chuyển rác thải; đảm bảo chất lượng nguồn nước; quyết liệt xử lý các vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Bênh cạnh đó, Hà Nội sẽ tập trung xử lý ô nhiễm môi trường trên tất cả ao hồ trên địa bàn thành phố ngay từ tuần này. Trong quý 4, sẽ xử lý xong tình trạng ô nhiễm tại tất cả các ao hồ trên địa bàn thành phố. Những giải pháp đó còn để đảm bảo môi trường sống tốt nhất cho người dân”.

Đối với vấn đề rác thải, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng cho biết, hiện 95% rác thải được thực hiện chôn lấp.  TP đã và đang kêu gọi các nhà đầu tư tham gia lĩnh vực xử lý rác với công nghệ mới nhất, đảm bảo môi trường. Từ 1-1-2017, TP  yêu cầu các công ty môi trường phải cơ giới hóa trong việc thu gom rác;  đặt thêm các thùng rác ở các tuyến phố. Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP cũng thông tin thêm,  thời gian và cách thức thu gom rác sẽ được nghiên cứu, xắp xếp lại để phù hợp hơn…

Thông tin tới cử tri , Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay thành phố đẩy mạnh trồng cây xanh, với chi phí chưa đến 40 tỷ đồng. Trong khi đó chi phí cắt cỏ trên địa bàn hàng năm rất lớn và lãng phí. "Thành phố đã nhận thức được vấn đề này và yêu cầu tất cả các quận dừng việc cắt cỏ từ 1/7, tiết kiệm cho ngân sách mỗi năm khoảng 700 tỷ đồng", ông Nguyễn Đức Chung nói.

Chủ tịch UBND  TP Hà Nội cung cấp thêm thông tin mà ông cho rằng "nói ra nhiều người sẽ giật mình", đó là chi phí cắt cỏ cho 24 km Đại lộ Thăng Long (cắt cỏ và một ít trúc anh đào, hoa dâm bụt) một năm là 53 tỷ đồng.

"Chi phí như trên là không thể chấp nhận được”, ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh và cho biết việc cắt tỉa cây hoa cảnh, cỏ tại các vườn hoa nay chỉ được thực hiện ở xung quanh hồ Hoàn Kiếm và một số vị trí quan trọng khác. Thời gian tới thành phố sẽ trồng cây trên toàn bộ quỹ đất dọc đại lộ Thăng Long. Kế hoạch bước đầu là trồng 20.000 cây cọ dầu theo 4 luống tại đại lộ, sau đó sẽ trồng tiếp 45.000 cây để tạo cảnh quan rừng cây. Toàn bộ số này do các doanh nghiệp tặng thành phố. Hiện, Công ty Việt Hưng tặng 10.000 cây, các công ty khác tặng 18.000 cây.

Chủ tịch UBND TP nói, trong lĩnh vực trồng cây xanh, những năm qua thành phố đã thực hiện xã hội hóa, tuy nhiên về bản chất không phải tiền tư nhân mà từ ngân sách thành phố đặt hàng. “Đặt hàng nên nhiều công ty lao vào làm, khiến chúng ta không kiểm soát được chất lượng, vì vậy mới có tình trạng cây bật gốc. Cách làm tới đây là chúng ta phải có đầu mối để kiểm soát chất lượng”, ông Nguyễn Đức Chung nói.