Giữ chân người lao động, không dễ

ANTD.VN - Bất kể người lao động nào cũng đều mong muốn được ký hợp đồng lao động đầy đủ, được công ty, doanh nghiệp đóng nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm thân thể. 

Khi việc làm được đảm bảo, thu nhập được nâng cao, cuộc sống ổn định, họ sẽ dốc hết tâm sức lao động, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Song, người lao động còn có những nhu cầu về chỗ ở, bữa ăn giữa ca, nhất là tiền thưởng Tết sau một năm làm việc cật lực đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Mặc dù vẫn còn hơn 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng không khí chuẩn bị thưởng Tết cho người lao động đã chộn rộn ở nhiều doanh nghiệp khắp cả nước. Tâm trạng chung của hàng triệu người lao động, công nhân đương nhiên là háo hức, hy vọng vào khoản tiền thưởng cuối năm. Tuy nhiên, cũng như mỗi khi “năm hết, Tết đến”, mặt bằng thưởng Tết luôn chênh lệch. Có công ty mức thưởng lên tới hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Ngược lại có nơi người lao động chỉ được cầm 1-2 triệu đồng, hoặc vài trăm nghìn đồng. 

Thậm chí, tiền thưởng Tết được “quy đổi” bằng hiện vật như mì gói, kẹo bánh, dầu ăn. Tức là sản phẩm của công ty, cơ sở sản xuất được “hóa giá” thành tiền thưởng. Cả năm lao động quần quật, cầm trên tay những sản phẩm này, người lao động “dở khóc, dở cười” dù hết sức thông cảm, chia sẻ khó khăn với chủ doanh nghiệp. Dẫu vậy, thử đặt vào tình cảnh của họ, liệu chủ lao động sẽ xoay xở ra sao? 

Không thể vin vào cớ làm ăn, kinh doanh, doanh thu không bằng năm ngoái, rồi thưởng Tết cho xong. Đây không chỉ là trách nhiệm, bổn phận của doanh nghiệp mà còn thể hiện sự quan tâm, chăm sóc thiết thực đối với người lao động, nhất là vào dịp Tết cổ truyền. Đâu chỉ là bản thân họ, cha mẹ, vợ  - chồng con đều trông chờ vào khoản tiền “thu hoạch” sau một năm trời đổ mồ hôi, vắt kiệt sức. 

Trong những năm gần đây, không ít doanh nghiệp đã tìm nhiều cách hỗ trợ công nhân như tặng vé tàu xe cùng với những gói quà Tết. “Của cho không bằng cách cho”, người lao động sẵn sàng chấp nhận, sẻ chia khó khăn với doanh nghiệp khi họ được đối xử “có trước có sau” trong những năm gắn bó, đặc biệt là dịp Tết.

Để người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp là cả một quá trình đòi hỏi công ty, công đoàn thường xuyên quan tâm đến cuộc sống của họ. Phải coi họ là tài sản vô giá quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững trên thương trường cạnh tranh ngày càng gay gắt. Giữ chân người lao động không dễ, cốt lõi là thái độ, cái tâm của lãnh đạo doanh nghiệp.