Giật mình sau vụ lật tàu chết người ở lễ hội Nghinh Ông Gành Hào (Bạc Liêu)

ANTD.VN - Ngày 6-4, sự kiện lễ hội Nghinh Ông ở biển Gành Hào (Bạc Liêu) đã chứng kiến vụ tai nạn giao thông đường thủy kinh hoàng, khi trong số 200 tàu cá tiến ra biển làm lễ, một tàu cá bất ngờ bị chìm khiến 2 người chết, 17 người bị thương và một số người còn mất tích. Đây là vụ tai nạn đường thủy nghiêm trọng nhất Bạc Liêu từ trước tới nay.

Nỗi đau trong ngày làm lễ

Vào 10 giờ sáng 6-4, có khoảng 200 tàu cá tiến ra biển Gành Hào làm lễ Nghinh Ông. Trong số này, tàu cá mang số hiệu BL 93322 TS của bà Nguyễn Thị Lời (ấp 2, thị trấn Gành Hào) do tài công Doãn Thanh Nam (35 tuổi, con bà Lời) điều khiển chở khoảng 39 người. Khi tàu đi đến tuyến kênh Gành Hào, đoạn thuộc ấp 4, Đông Hải, cách cửa biển khoảng 2 km, thì bất ngờ bị chìm.

Mặc dù được các lực lượng chức năng (gồm Đồn biên phòng 668 và Phòng CSGT đường thủy Công an tỉnh Bạc Liêu) và ngư dân dồn phương tiện ra ứng cứu, vụ tai nạn vẫn khiến cho 2 người thiệt mạng và 17 người bị thương. Hiện vẫn chưa xác định được số người mất tích trong vụ việc.

Lực lượng cứu hộ giúp đỡ người bị nạn trong vụ chìm tàu ở Gành Hào

Theo nhận định của Đại tá Ngô Thành Thật - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu, đây là vụ tai nạn đường thủy nghiêm trọng nhất từ trước đến nay ở tỉnh này.

Được biết, các nạn nhân bị thương trong vụ việc chủ yếu là do ngạt nước, suy hô hấp, viêm phổi hoặc phù phổi. Cho tới thời điểm hiện tại, có 1 người đã được chuyển lên Bệnh viện đa khoa huyện Giá Rai, 1 người bị thương rất nặng được chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu.

Người bị nạn trong vụ việc được đưa tới bệnh viện. Nguồn ảnh: Zing

* Thông tin về lễ hội Nghinh Ông:

Lễ hội Nghinh Ông là một nét văn hóa đặc trưng của người dân ven biển như: Vũng Tàu, Khánh Hoà, Bình Thuận, Cà Mau, TP Hồ Chí Minh. Lễ hội này vừa là dịp cho ngư dân cầu mong bình yên khi đi biển, đánh bắt được nhiều tôm cá, cuộc sống được no ấm thịnh vượng, hạnh phúc trường tồn, vừa là dịp để các địa phương thu hút du khách trong và ngoài nước góp phần nâng cao doanh thu cho ngành du lịch. Lễ hội Nghinh Ông còn là nơi cho mọi người tưởng nhớ đến việc báo nghĩa, đền ơn, uống nước nhớ nguồn.

Sự kiện trên còn có nhiều tên gọi khác nhau như lễ rước cốt ông, lễ cầu ngư, lễ tế cá "Ông", lễ cúng "Ông", lễ nghinh ông Thuỷ tướng, nhưng tất cả đều có chung một quan niệm rằng cá "Ông" là sinh vật thiêng ở biển, là cứu tinh đối với những người đánh cá và làm nghề trên biển nói chung. Điều này đã trở thành một tín ngưỡng dân gian phổ biến trong các thế hệ ngư dân ở các địa phương nói trên.

(Nguồn: cinet.vn)

Giật mình nhìn lại hàng loạt vụ TNGT đường thủy

Vụ TNGT đường thủy mới nhất ở biển Gành Hào có thể xem như lời nhắc nhở đối với tình trạng quản lý an toàn giao thông đường thủy hiện nay.

Trước vụ tai nạn này, một loạt vụ chìm tàu, lật xuồng, va chạm đường thủy đã xảy ra song dường như một bộ phận cấp quản lý ở nhiều địa phương có giao thông đường thủy phát triển vẫn chưa ý thức đầy đủ.

Báo ANTĐ điểm qua một số vụ TNGT đường thủy nghiêm trọng:

* Trong 7 năm từ 2006-2013, đã có 6 vụ tai nạn đường thủy kinh hoàng, cướp đi gần 100 sinh mạng.

Như vụ tai nạn ngày 16-9-2013, tàu chở hàng Sima Sapphire (Singapore) đi từ TP.HCM đến Malaysia, khi tới vùng biển Vũng Tàu (cách bờ 50 hải lý) đã tông vào tàu cá của ngư dân Tiền Giang (TG 92819TS), làm tàu cá bị bị chìm và 16 ngư dân rơi xuống biển. Vụ tai nạn đã khiến cho 8 người chết và mất tích.

Ngày 2-8-2013, khi đang trên hành trình từ Gò Công Đông (Tiền Giang) về Vũng Tàu, ca nô H29-BP chở 30 người bất ngờ bị chìm tại vịnh Gành Rái, cách TP.HCM khoảng 4 hải lý và cách Vũng Tàu khoảng 10 hải lý. Vụ tai nạn khiến 30 người trên tàu trôi dạt trên biển trong điều kiện thời tiết xấu (gió thổi mạnh, sóng cao), và có 9 người đã tử vong.

Năm 2011, dư luận xôn xao trước vụ chìm tàu Dìn Ký hay vụ đắm tàu chở khách du lịch trên vịnh Hạ Long. Cụ thể, ngày 20-5-2011, một bữa tiệc sinh nhật được tổ chức trên tàu Dìn Ký thì không may tàu bị lật trong quá trình di chuyển, khiến 16 người thiệt mạng.

Trước đó, vào ngày 16-2-2011, tàu Trường Hải QN-5198 chở 21 khách đi du lịch trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Do thao tác kỹ thuật lỗi, êkíp điều khiển đã làm cho tàu bị nghiêng rồi chìm, khiến 12 khách tử vong.

Ngoài ra còn có một số vụ TNGT đường thủy nghiêm trọng khác trong giai đoạn này.

* Đến năm 2015, xu hướng TNGT đường thủy tiếp tục tăng lên, khi chỉ trong 9 tháng đầu năm, 91 vụ TNGT đường thủy, làm chết 38 người, bị thương 7 người, chìm đắm 82 phương tiện, ước tính thiệt hại khoảng trên 18 tỷ đồng.

Giật mình sau vụ lật tàu chết người ở lễ hội Nghinh Ông Gành Hào (Bạc Liêu) ảnh 3

TNGT đường thủy có thể gây ra thiệt hại nặng nề về người và của

* Sang năm 2016, TNGT đường thủy được xác định giảm về số vụ và số người chết nhưng lại liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giữa phương tiện thủy với cầu vượt sông, gây thiệt hại lớn về tài sản.

Có thể kể tới như: Tháng 6-2016, tàu du lịch trên sông Hàn (Đà Nẵng) bị chìm làm 3 người thiệt mạng. Đây là tàu thiết kế sơ sài, không đủ độ an toàn, không được cấp phép nhưng lại đón tới 56 du khách hoạt động công khai.

Tháng 3-2016, một sà lan chở cát đâm sập cầu Ghềnh tại Đồng Nai khiến đường sắt Bắc Nam bị tê liệt gần 3 tháng, gây thiệt hại rất lớn cho kinh tế - xã hội.

* Trong số các nguyên nhân được chỉ ra, có 2 nguyên nhân chính xuất phát từ sự chủ quan của các chủ tàu, lái tàu, cũng như tình trạng buông lỏng quản lý ở một số địa phương. Một là phương tiện không đảm bảo kỹ thuật, thậm chí cũ nát song vẫn tham gia giao thông và đưa đón số lượng khách lớn. Hai là ý thức vận hành phương tiện kém, chủ quan dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.

Thêm một lần nữa, vụ tai nạn lật tàu ở lễ hội Nghinh Ông Gành Hào là lời nhắc nhở nghiêm khắc đối với các bên liên quan trong việc đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, tránh những rủi ro, thiệt hại hết sức đáng tiếc cả về người và của.

* CLIP TNGT ĐƯỜNG THỦY - NỖI ĐAU NGƯỜI Ở LẠI (nguồn YouTube An toàn Đường thủy):

Tin cùng chuyên mục