Điều tra xã hội 5 sở “nhạy cảm”

ANTĐ - TP Hà Nội tổ chức liên tiếp 2 đợt điều tra xã hội học, lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp về năng lực, thái độ, trách nhiệm thực thi công vụ của công chức, viên chức. Theo đó, trước mắt, TP tập trung đo sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp ở những địa chỉ được dư luận xem là nhạy cảm nhất.

Chỉ có 53,3% người dân, doanh nghiệp hài lòng với cán bộ, công chức. Ảnh minh họa

9,9% người tới làm thủ tục chưa hài lòng

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học cho biết, thực hiện Nghị quyết Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 15, BCH Đảng bộ TP Hà Nội đã xây dựng 9 chương trình công tác lớn, trong đó có cải cách hành chính (CCHC). Có rất nhiều nội dung liên quan tới CCHC mà TP đã và đang tiến hành, bước đầu đã có những chuyển biến tích cực. Trong đó, Hà Nội tập trung vào công tác cán bộ, nghĩa là thái độ khi tiếp xúc với doanh nghiệp, người dân trong tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính. 

Một trong những “kênh” quan trọng được TP dành sự quan tâm hiện nay là điều tra xem dư luận xã hội đánh giá như thế nào về năng lực, thái độ, trách nhiệm thực thi công vụ của công chức, viên chức. Theo ông Phạm Thanh Học, từ tháng 6-2012, TP đã tiến hành điều tra xã hội học đầu tiên với 3.000 phiếu được phát ra; đối tượng được hỏi là người dân, doanh nghiệp. Cuộc điều tra được thực hiện tại 25 quận, huyện, thị xã; 50 xã, phường và 7 sở, ngành (Sở KH-ĐT, Xây dựng, TN-MT, Y tế, LĐ-TB&XH, Bảo hiểm xã hội TP, Cục Thuế TP Hà Nội). Kết quả điều tra cho thấy, có sự khác biệt trong mức độ hài lòng của người dân đối với quá trình thực hiện thủ tục hành chính ở cấp xã, phường với quận, huyện, sở, ngành. Đáng chú ý, người dân cho rằng, mức độ hài lòng khi giải quyết thủ tục hành chính ở xã, phường lại cao hơn ở quận, huyện, sở, ngành. Cụ thể, tỷ lệ hài lòng và rất hài lòng đạt 53,3%, còn lại là bình thường (36,8%) và không hài lòng (9,9%). Trong đó lý do không hài lòng được người dân nêu ra là phải đi lại, bổ sung giấy tờ nhiều lần (57,3%); trả kết quả sai hẹn (35,9%); cán bộ không đúng mực khi giao tiếp (24%) và nhất là có cán bộ gây khó khăn, vòi vĩnh (23,4%).

Ông Phạm Thanh Học cho biết, sau khi có kết quả điều tra xã hội học, Ban Tuyên giáo đã báo cáo với lãnh đạo TP, được Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU về cải cách hành chính đánh giá cao. Lãnh đạo TP xem đây là kênh thông tin quan trọng để tham khảo trong quá trình chỉ đạo, điều hành.

Tập trung vào trọng điểm

Từ kết quả điều tra trên, gắn với đợt kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI), Ban Chỉ đạo CCHC thành phố đã chỉ đạo tiếp tục mở các đợt điều tra xã hội học  tại một số sở trọng điểm. Lần này, TP quyết định điều tra ở phạm vi hẹp hơn, tập trung vào một số sở (TN-MT, KH-ĐT, QH-KT, Tài chính, Xây dựng) có các hoạt động giải quyết thủ tục hành chính liên quan nhiều đến các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và đặc biệt là người dân. Ông Phạm Thanh Học cho biết, mục đích của đợt này nhằm thu thập các ý kiến đánh giá nhận xét của cán bộ cấp quận, huyện, doanh nghiệp về năng lực, thái độ, trách nhiệm phục vụ của cán bộ, công chức cấp sở trong việc thực hiện giải quyết TTHC tại các sở đó. Qua điều tra, sẽ đề xuất các giải pháp khắc phục hạn chế, khuyết điểm nhằm góp phần đảm bảo và phát huy hiệu quả công tác CCHC của Thủ đô trong thời gian tới.

Phương pháp điều tra bằng phiếu thăm dò ý kiến với quy mô 1.000 phiếu. Hiện tại, cơ quan chức năng đã bắt đầu phát phiếu điều tra. Dự kiến, khoảng 15-1-2013, TP sẽ tiến hành xử lý phiếu, tổng hợp số liệu và báo cáo kết quả điều tra. Dựa trên kết quả, Ban Chỉ đạo CCHC TP sẽ nắm được một phần thực trạng của CCHC. Qua đó, sẽ kiến nghị với lãnh đạo TP chỉ đạo hoạt động của các đơn vị hiệu quả hơn.

Trả lời câu hỏi tại sao lại chọn 5 sở nói trên, phải chăng đây là những đơn vị có biểu hiện tiêu cực, ông Phạm Thanh Học nói: “Hiểu như vậy là hoàn toàn nhầm lẫn. Đây là 5 sở có tính chất nhạy cảm, có các thủ tục hành chính liên quan đến nhiều người dân, doanh nghiệp nên cần điều tra để biết được người dân, doanh nghiệp và các đồng nghiệp cấp quận, huyện đã trực tiếp tham gia liên thông giải quyết các thủ tục hành chính đánh giá thế nào về 5 sở này...”.

Về đối tượng điều tra, TP sẽ không làm chung chung mà chỉ đích danh bộ phận sẽ điều tra. Cùng với đó, các phương án trả lời cũng rất rõ ràng. Chẳng hạn, phiếu điều tra đưa ra phương án “có hiện tượng tham nhũng, tiêu cực hay không” hoặc “có hiện tượng hướng dẫn không đầy đủ, phải làm đi làm lại nhiều lần hay không”... Để có được kết quả điều tra tốt nhất, TP lựa chọn dạng phiếu mở, tức là người tham gia điều tra có thể nêu rõ họ tên hoặc không. “Có nhiều người khi không phải nêu tên sẽ nói thẳng thắn hơn” - ông Phạm Thanh Học giải thích.

Ông Phạm Thanh Học nhấn mạnh, đợt điều tra xã hội học tại 5 sở nhạy cảm là kênh tham khảo rất quan trọng. Tuy nhiên, không thể từ đó mà đánh giá toàn bộ chất lượng công tác CCHC tại các sở này. Ông nói: “Không thể chỉ qua vài năm chúng ta sẽ có ngay một đội ngũ cán bộ, công chức như mong muốn. Trong đội ngũ cán bộ có một bộ phận đang suy thoái. Do đó, phải bằng nhiều kênh để chỉ ra được bộ phận đó ở đâu, cụ thể là những ai chứ không thể chung chung mãi được...”.