Đại biểu Quốc hội kiến nghị "vào đại học phải biết bơi"

ANTD.VN - "Giả dụ đưa ra tiêu chí "vào đại học phải biết bơi", tôi nghĩ tất cả các học sinh sẽ biết bơi, vì nó cũng là kỹ năng cơ bản, cứu sống bản thân và trên thực tế rất nhiều người phải bỏ tiền ra để học bơi", đại biểu Dương Trung Quốc phát biểu khi tranh luận về việc có hay không nên đưa bơi là môn học bắt buộc.

Vấn đề có hay không nên đưa bơi là môn học bắt buộc trong trường học được tranh luận sôi nổi tại nghị trường Quốc hội trong phiên thảo luận sửa đổi, bổ sung Luật thể dục thể thao, sáng 31-5.

Đại biểu Lê Minh Đức (đoàn Sóc Trăng) cho rằng chưa nên áp dụng quy định này trong luật vì sẽ đặt ra nhiều vấn đề như ngân sách giải quyết lớn, quỹ đất của các trường không bảo đảm, đội ngũ giáo viên dạy bơi không đủ đáp ứng, kinh phí hoàn thiện môn học đối với phụ huynh, học sinh sẽ như thế nào…

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng đưa bơi là môn học bắt buộc là "chính sách hay nhưng không khả thi"

Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) chia sẻ với những đại biểu đề xuất đưa vào luật nội dung bơi là môn học bắt buộc và đánh giá đây là ý kiến rất tâm huyết, trách nhiệm với trẻ em, nếu làm được thì rất lý tưởng nhưng theo bà Mai Hoa, tính khả thi là không cao vì hầu hết các trường không có bể bơi. Còn nếu đưa quy định này vào luật để góp phần ngăn chặn tình trạng đuối nước, thiết nghĩ phải có sự phối hợp giữa nhà nước, nhà trường, gia đình và xã hội, chứ không thể quy trách nhiệm riêng cho nhà trường.

"Một chính sách dù hay nhưng không khả khi thì cũng chưa nên đặt ra, thông qua tại kỳ họp này", đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nêu quan điểm.

Tranh luận lại các ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng quan trọng nằm ở cách tiếp cận vấn đề: "Quốc hội và các đại biểu có có coi vấn đề này là quan trọng không. Nếu xem là quan trọng, yêu cầu học sinh học xong phải biết bơi thì từ đó mới có quỹ đất làm bể bơi, có thầy giáo để dạy".

Trong khi đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng phải có luật thì mới có cơ chế, kinh phí... và đó là tầm nhìn của Quốc hội

Từ phân tích này, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh: "Phải có luật thì mới có cơ chế, có kinh phí, quỹ đất để làm bể bơi cũng như tổ chức các hoạt động thể thao. Đó chính là tầm nhìn của Quốc hội. Chúng ta làm luật để tạo cơ chế, khung pháp lý, điều kiện làm việc, chứ đừng nhìn theo kiểu có bể bơi rồi mới xây dựng luật để học sinh học bơi".

Theo đại biểu Hà Nội, không bắt buộc mỗi trường phải có 1 bể bơi, một huyện có thể có 3-5 bể bơi, tùy theo dân số, có khung giờ hợp lý để học sinh tới tập bơi. Các nước tiên tiến, hiện đại nhất họ cũng không xây mỗi trường 1 bể bơi.

Cùng tham gia tranh luận, đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cho rằng vấn đề có lẽ là do việc thể hiện trong luật còn hơi cứng nhắc, đòi hỏi bơi phải là 1 bộ môn chính thức nên mọi người hình dung là phải có bể bơi, có giáo viên...

"Nếu chỉ nghĩ là xóa mù bơi thì đơn giản hơn, có khi chỉ cần 5-7 buổi tập là biết bơi, tạo hứng thú và hình thành thói quen để học sinh có thể tập luyện", ông Dương Trung Quốc nói.

Bơi là kỹ năng sống quan trọng với trẻ em, học sinh (Ảnh: Bảo Lâm)

Đại biểu Đồng Nai đề nghị nên đưa vào trong luật như là một tiêu chí học sinh, từ cấp trung học cơ sở trở lên chẳng hạn, phải biết bơi thì khi đó tự nhiên trách nhiệm gia đình, nhà trường, trách nhiệm xã hội cùng chung tay đào tạo được học sinh biết bơi.

"Giả dụ đưa ra tiêu chí "vào đại học phải biết bơi", tôi nghĩ tất cả các học sinh sẽ biết bơi, vì nó cũng là kỹ năng cơ bản, cứu sống bản thân và trên thực tế rất nhiều người phải bỏ tiền ra để học bơi. Vấn đề là chúng ta đặt ra mục tiêu, vạch ra hướng đi để làm sao có thế hệ trẻ có đủ kỹ năng để ứng phó với cuộc sống", đại biểu Dương Trung Quốc nói.

Phát biểu cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện thay mặt ban soạn thảo đã tiếp thu các ý kiến xác đáng của đại biểu để hoàn thiện dự thảo luật, trước khi trình Quốc hội bấm nút thông qua vào ngày 14-6 tới.

Hầu hết các trường học ở Việt Nam chưa có bể bơi

Theo báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên ở phần lớn các cơ sở giáo dục chưa đáp ứng được việc tổ chức dạy bơi. Hầu hết các trường chưa có bể bơi (chỉ có 0,4-0,6% số trường phổ thông và 13% số trường đại học có bể bơi).

Để bảo đảm tính khả thi của điều luật, phù hợp với điều kiện thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội chỉnh lý dự thảo luật theo hướng quy định trách nhiệm của Nhà nước và nhà trường trong việc ưu tiên phát triển môn bơi. Ngoài ra, cần tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên trong việc sử dụng cơ sở vật chất của các công trình thể dục, thể thao trong các cơ sở thể thao công lập phục vụ việc học bơi nói riêng và giáo dục thể chất, thể thao trong nhà trường nói chung, cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng các công trình thể dục, thể thao.