Công chức quay cóp, bằng thật nhưng… học giả

ANTD.VN - Báo chí vừa đưa tin, Sở Nội vụ Bình Thuận đã xác nhận thông tin có 2 trường hợp cán bộ, công chức thuộc tỉnh này bị bắt quả tang quay cóp khi làm bài thi kiểm tra đầu vào lớp thạc sĩ tại trường Đại học Luật TP.HCM. 

Đáng chú ý, 2 trường hợp này đều không phải cán bộ bình thường: Một người là Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Bình Thuận và người còn lại là thanh tra viên thuộc Thanh tra tỉnh Bình Thuận! Hiện nay, tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu các cán bộ liên quan giải trình sự việc, chờ ý kiến của cơ quan có thẩm quyền để xử lý các bước tiếp theo.

Bác sỹ, giáo viên dùng bằng giả; lãnh đạo sở nhờ thư ký đi học hộ, thi hộ; giờ đến thanh tra cũng gian lận, đại biểu dân cử quay cóp để đỗ kỳ thi thạc sỹ… Vì sao những người này gần như không còn biết xấu hổ khi cố tình gian lận? Tất cả chỉ vì từ lâu, bằng cấp đã là điều kiện tiên quyết cho mọi vị trí việc làm, đặc biệt được xem là “pháp bảo” hữu ích với việc tiến thân của cán bộ, công chức Nhà nước. 

Nhiều trường hợp dùng bằng cấp giả để lọt vào làm việc trong bộ máy cơ quan Nhà nước đã bị phát hiện. Thế nhưng, số này còn chưa thấm vào đâu so với những người có bằng cấp thật nhưng học giả, tức là học hành gian lận để có bằng cấp. Tình trạng học hộ, thi hộ để lấy bằng cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ là chuyện tương đối phổ biến ở ta. Không chỉ là chuyện “tình nghĩa”, “giúp” nhau đơn thuần, nhiều khi chuyện này trở thành “nghề” làm ăn, được thuê mướn, trả công đàng hoàng!

Quá ngán ngẩm trước tư cách đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức, có người than thở: “Học hành thi cử như vậy thì lãnh đạo ai bây giờ? Nếu thi đỗ trót lọt thì quá nguy hiểm cho bộ máy Nhà nước!”. Nhiều người khác cho rằng, thật may mắn vì hành vi gian dối của hai vị cán bộ trên đã được ngăn chặn kịp thời.

Hai trường hợp bị “lộ sáng” ở Bình Thuận có lẽ đã quá liều lĩnh, “coi trời bằng vung” nên mới bị bắt quả tang tại trận. Còn với số đông những người “chưa bị lộ”, đã quay cóp, nhờ người học hộ, thi hộ… trót lọt giờ vẫn vững chân trong bộ máy hành chính, ai sẽ kiểm tra, giám sát họ, xem bằng cấp của họ có thực chất hay đơn giản chỉ là tờ giấy ép plastic cất trong ngăn tủ và chỉ có hiệu lực trong những đợt xét lên lương, bổ nhiệm?

Câu trả lời là không ai làm việc đó trong khi các quy định về kiểm tra, giám sát đều có đủ. Người ta vẫn ngầm định là vào được bộ máy rồi thì không bao giờ phải ra, nhất là với những người có bằng cấp đầy mình như thế. Thực tế này càng thúc đẩy người ta phải làm sao để có được càng nhiều bằng cấp, học vị càng tốt!

Việc thanh tra, kiểm tra, giám sát để phát hiện sai phạm là cần thiết. Song số cán bộ học giả, bằng thật sẽ không bị coi là có sai phạm nếu không bị bắt quả tang. 

Muốn triệt tận gốc tệ nạn sính bằng cấp, để những cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ… thực học không cảm thấy xấu hổ vì những thạc sỹ, tiến sỹ giấy, cần thay đổi hệ quy chiếu giá trị và cách đánh giá năng lực cán bộ. Các cơ quan quản lý cần trả lời câu hỏi, vì sao nạn bằng giả hay bằng thật, học giả thường thấy ở cơ quan Nhà nước mà khối tư nhân lại rất hiếm gặp? Đơn giản là một khi thước đo hiệu quả công việc và hệ thống đánh giá nhân lực hoạt động hiệu quả, nếu có bằng cấp mà không có kiến thức, năng lực thì anh sẽ nhanh chóng tự văng ra ngoài!