Chủ động trình báo cơ quan bảo vệ pháp luật để "chặt vòi" đòi nợ thuê, cho vay lãi "cắt cổ"

ANTD.VN - Để bạn đọc hiểu thêm vì sao “tín dụng đen” gây ra nhiều vấn đề nhức nhối đối với xã hội, phóng viên Báo ANTĐ trao đổi với Luật sư Vũ Ngọc Chi - Giám đốc Công ty Luật Tam Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.  

Chủ động trình báo cơ quan bảo vệ pháp luật để "chặt vòi" đòi nợ thuê, cho vay lãi "cắt cổ" ảnh 1Luật sư Vũ Ngọc Chi – Giám đốc Công ty Luật Tam Anh

Có thể nói tình trạng cho vay lãi “cắt cổ” tự phát hay còn gọi là “tín dụng đen” hiện nay đang len lỏi khắp nơi và gây nhức nhối xã hội. Luật sư nhìn nhận tình trạng này thế nào?

Luật sư Vũ Ngọc Chi: Tình trạng “tín dụng đen” đúng là một hiện tượng phổ biến gần đây. Nó tồn tại dưới nhiều hình thức, gây ra tâm lý lo ngại đối với nhiều gia đình trong xã hội, nhiều thành phần khác nhau và ở nhiều độ tuổi khác nhau.

Theo thống kê nhanh, đối tượng sa bẫy “tín dụng đen” chủ yếu là thanh niên không có việc làm lại dính vào cá độ bóng đá, bài bạc, lô đề, ăn chơi… Trong khi đó, những người phải trả nợ phần lớn là bố mẹ hoặc anh chị em của họ.

Những khoản nợ đó thường là số tiền lớn, do vậy mà khoản lãi phát sinh cũng rất cao, đồng thời nó còn tăng theo cấp số nhân tỉ lệ với thời gian. Với những lý do nêu trên thì “tín dụng đen” hiện đang gây ra rất nhiều nỗi lo cho xã hội.

Luật sư có thể cho biết, việc cá nhân hoặc một vài cá nhân tự lập ra doanh nghiệp hoặc nhân danh tổ chức thực hiện hoạt động “tín dụng đen”đã vi phạm pháp luật như thế nào? Chế tài đối với hành vi này ra sao?

 Việc cá nhân hoặc một vài cá nhân tự lập ra doanh nghiệp hoặc nhân danh tổ chức thực hiện hoạt động “tín dụng đen” sẽ dẫn đến hàng loạt hành vi vi phạm pháp luật khác. Tuy nhiên, nếu chỉ xét ở hành vi tự lập ra doanh nghiệp hoặc nhân danh tổ chức nào đó để cho vay lãi “cắt cổ” là vi phạm Nghị định 104/2007/NĐ-CP, ngày 14/6/2007 về kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Bởi theo quy định tại nghị định này thì yêu cầu về vốn pháp định đối với tổ chức kinh doanh đòi nợ phải có ít nhất 2 tỷ đồng và luôn phải duy trì số vốn điều lệ không thấp hơn vốn pháp định. Tiếp đến là người quản lý, đại diện cho doanh nghiệp hoặc tổ chức phải đầy đủ năng lực hành vi dân sự; trình độ học vấn phải từ đại học trở lên, đồng thời phải thuộc các ngành kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh và về nhân thân thì không có tiền án.

Riêng đối với người đã làm việc cho doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh đòi nợ khác đã bị thu hồi giấy chứng nhận thì phải kèm thêm điều kiện là trong 3 năm trước liền kề không giữ chức danh quản lý doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã bị thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh.

Cũng theo Nghị định 104/2007/NĐ-CP, cá nhân, tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng khi hoạt động thu hồi nợ dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký kinh doanh và phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi bổ nhiệm người không đủ tiêu chuẩn và điều kiện làm tổng giám đốc.

Ngoài các chế tài đối với việc thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ nói trên thì trong quá trình hoạt động, cá nhân và pháp nhân còn phải chịu các chế tài khác tương ứng với từng hành vi cụ thể. 

Pháp luật đã quy định xử lý bằng hình sự đối với hành vi cho vay nặng lãi nhưng thực tế là hiếm khi đối tượng liên quan “tín dụng đen” bị đưa ra xét xử. Luật sư lý giải việc này thế nào?

Đúng là rất hiếm khi các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” bị xử lý về tội “Cho vay lãi nặng”. Có  nhiều nguyên nhân khiến hành vi này không bị truy tố và xét xử. Trước hết là hầu hết nạn nhân trong các vụ việc liên quan đến “tín dụng đen” đều không trình báo cơ quan chức năng.

Thay vào đó, họ thường chỉ cố gắng trả nợ cho xong để sớm chấm dứt mối quan hệ với ổ nhóm “giang hồ”. Thứ hai là quy định của pháp luật chưa thực sự rõ ràng, minh bạch giữa vay dân sự và vay thương mại. Tiếp đến là trong quá trình giao dịch, phần lớn nạn nhân của “tín dụng đen” chỉ dùng các giấy tờ về nhân thân hoặc giấy tờ về tài sản làm vật bảo đảm và thậm chí không cần bất cứ loại giấy tờ gì khi vay tiền. Loại giấy tờ quan trọng nhất là hợp đồng vay tài sản thì lại không được các bên xác lập.

Sau đó, các “con nợ” cứ phải “còng lưng” ra gánh những khoản lãi suất “cắt cổ” thỏa thuận miệng. Cũng chính vì thế mà cho dù cơ quan chức năng rất muốn xử lý “tín dụng đen” về hành vi cho vay nặng lãi cũng rất khó vì không có căn cứ. 

Vậy theo luật sư, giải pháp trước mắt để ngăn chặn loại tội phạm này là gì?

 Như đã đề cập ở trên, hành vi tự ý lập ra doanh nghiệp hoặc nhân danh tổ chức cho vay tiền và thu hồi nợ trái pháp luật thì mức xử phạt cao nhất cũng chỉ lên đến 30 triệu đồng. Nếu so sánh giữa số tiền bị xử phạt và lợi nhuận vô cùng lớn mà hoạt động “tín dụng đen” thu được thì có thể nói không thấm tháp gì.

Hay như trong quá trình hoạt động, các đối tượng “tín dụng đen” thường sử dụng những thủ đoạn đánh vào tinh thần như: dùng chất bẩn ném vào nhà “con nợ”; nhắn tin, gọi điện đe dọa người thân “con nợ”; mang quan tài, vòng hoa, cáo phó đến nhà và thậm chí là bố trí cả những đối tượng “xăm trổ” luôn kè kè bên cạnh người thân “con nợ”… thì cũng chỉ bị xử phạt hành chính.

Vấn đề xử lý bằng hình sự chỉ được đặt ra khi các hành vi của “tín dụng đen” xâm phạm vào một hoặc một vài quan hệ nào đó được Bộ luật Hình sự điều chỉnh. Chính vì thế, để ngăn ngừa được tình trạng “tín dụng đen” thì điều quan trọng nhất là mỗi người cần phải tỉnh táo khi tìm tới nguồn tín dụng ngoài luồng này, đồng thời phải luôn tích cực, chủ động hợp tác với các cơ quan bảo vệ pháp luật.   

Cảm ơn luật sư!