Vụ Giám đốc Bệnh viện bổ nhiệm “thần tốc” con trai làm Phó trưởng khoa:

Cần hình sự hóa sai phạm bổ nhiệm người nhà

ANTD.VN - Thông tin Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp) bổ nhiệm con trai giữ chức phó khoa sau chưa đến 6 tháng công tác khiến dư luận đang rất bất bình. 

Bên lề Quốc hội chiều 24-5, ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đã trả lời phỏng vấn Báo ANTĐ về vấn đề này.

Cần hình sự hóa sai phạm bổ nhiệm người nhà  ảnh 1ĐBQH Lê Thanh Vân trả lời phỏng vấn Báo ANTĐ

- Thời gian gần đây, liên tiếp những vụ việc liên quan đến bổ nhiệm cán bộ được phanh phui tại nhiều địa phương. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Việc bổ nhiệm cán bộ thần tốc trái quy định, bổ nhiệm người nhà, hay “cả họ làm quan” là câu chuyện không còn hiếm ở nhiều địa phương. Nếu không có chế tài đủ mạnh thì chắc chắn những vụ như ở Đồng Tháp sẽ còn tiếp tục diễn ra, không bao giờ dừng.

Chúng ta không phủ nhận có chuyện “hổ phụ sinh hổ tử” nhưng nó phải đặt trong một nền chính trị minh bạch, một nền giáo dục trong sáng, ý thức tự tôn pháp luật cao và căn cứ vào phẩm chất của người đó. Còn như ở ta, bổ nhiệm người nhà vừa qua là lạm dụng quy trình, bất chấp quy định để đưa người nhà, người thân vào nhằm trục lợi, đặc biệt là các vị trí quan trọng về kinh tế, ban phát vật chất.

Có một thực tế là ở các vụ bổ nhiệm người nhà, đối tượng có sai phạm vẫn cứ nói là đã làm đúng quy trình. Nhưng cái quan trọng là nhân sự đặt vào trong cái quy trình đó không đạt yêu cầu, không đúng. Chứ như một ông vừa về công tác chưa đến 6 tháng đã bổ nhiệm lên phó khoa tại bệnh viện, rõ ràng có vấn đề.

Theo ông, liệu có cần các biện pháp xử lý mạnh hơn?

Nhìn lại những hành vi vi phạm trong các vụ bổ nhiệm người nhà vừa qua, tôi thấy đều đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Về mặt chủ thể, những người bổ nhiệm người nhà là những người có chức vụ. Về mặt chủ quan, đó là hành vi cố ý vi phạm quy trình công tác cán bộ. Về mặt khách thể, đó là hành vi xâm phạm trật tự quản lý nhà nước, cố ý làm sai khi sử dụng quyền lực của nhân dân, hậu quả gây ra rất lớn, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước. Vì thế, chúng ta không thể giáo dục bằng chính trị tư tưởng được, không thể lấy quy phạm về đạo đức để xử lý, điều chỉnh vi phạm về pháp luật như vậy.

Hôm nay, Quốc hội thảo luận về Bộ luật Hình sự, tôi muốn đặt câu hỏi là tại sao trong bộ luật này hiện vẫn không có quy định nào về việc hình sự hóa những sai phạm trong bổ nhiệm người nhà, bổ nhiệm cán bộ trái quy định. Các hành vi vi phạm về công tác cán bộ thời gian qua diễn ra rất gay gắt, dư luận phẫn nộ. Vì vậy, tôi tha thiết phải đưa hành vi này vào Bộ luật Hình sự, có hình phạt nặng tay. 

Xin cảm ơn ông!