Cần có hiểu biết về "ngáo đá" để tự bảo vệ và xử lý kịp thời

ANTD.VN - Bàn về những giải pháp tình huống cụ thể để phòng ngừa, ngăn chặn và hạn chế  hậu quả do các đối tượng “ngáo đá” gây ra, Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng phòng CSHS - CATP Hà Nội nhấn mạnh: “Không có mẫu số chung bởi mỗi trường hợp lại có những hành vi, hành động khác nhau. Vì vậy, cần phải căn cứ vào tình hình thực tế để xử lý “ngáo đá” một cách hiệu quả nhất”.

Cần có hiểu biết về "ngáo đá" để tự bảo vệ và xử lý kịp thời ảnh 1Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng Phòng CSHS - CATP Hà Nội

- PV: Tình trạng đối tượng sử dụng ma túy dẫn đến ảo giác gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình ANTT và bức xúc trong xã hội. Đại tá có thể làm rõ vấn đề này?

- Đại tá Dương Văn Giáp: “Ngáo đá” là tình trạng khi đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp dẫn đến suy giảm chức năng nhận thức, ảo giác, loạn thần, rồi thực hiện các hành vi nằm ngoài tầm kiểm soát dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng như đập phá tài sản, tấn công người khác bằng hung khí. Thậm chí, có những vụ án đối tượng “ngáo đá” còn dùng hung khí sát hại người thân như đã xảy ra ở tỉnh Thái Bình vào đầu tháng 7 vừa qua.

- Khi phát hiện và đối diện với đối tượng “ngáo đá”, cần phải xử lý tình huống như thế nào để bảo vệ bản thân và những người xung quanh, đồng thời vẫn khống chế được đối tượng?

- Các nguyên tắc cơ bản trong những trường hợp này là tuyệt đối không để đối tượng bị kích động, thậm chí người đối diện phải “cuốn” theo ảo giác của đối tượng để làm chủ tình hình. Không được tiếp cận đối tượng quá gần khi chưa có những biện pháp phòng ngừa kèm theo và tránh để bị đối tượng “ngáo đá” gây sát thương. Mặt khác, cần dùng lời lẽ mềm mỏng để vận động, thuyết phục đối tượng làm theo ý mình và nhanh chóng cách ly đối tượng với những người xung quanh.

- Nếu đối tượng “ngáo đá” tỏ ra manh động, khó kiểm soát thì phải làm gì, theo Đại tá?

- Trong trường hợp như vậy, cần phải sử dụng các loại công cụ hỗ trợ như: súng bắn lưới, súng bắn điện, hoặc bình xịt hơi cay, găng tay bắt dao, áo giáp, lá chắn. Lưu ý, khi tiếp xúc với đối tượng cần đeo găng tay bắt dao và sau khi vô hiệu hóa được đối tượng “ngáo đá”, phải đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra có bị phơi nhiễm HIV hay không.

Cần có hiểu biết về "ngáo đá" để tự bảo vệ và xử lý kịp thời ảnh 2Đối tượng “ngáo đá” thường có những hành động vô thức, mất kiểm soát

- Tại cuộc Hội thảo khoa học về “Công tác quản lý, phòng ngừa, xử lý đối tượng suy giảm chức năng nhận thức, ảo giác, loạn thần do sử dụng ma túy tổng hợp và các chất hướng thần mới - Thực trạng và giải pháp” do CATP Hà Nội tổ chức ngày 13-7, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc CATP đã nhấn mạnh tính tích cực của công tác tuyên truyền phòng ngừa tình trạng đối tượng sử dụng ma túy dẫn đến “ngáo đá”. Theo Đại tá, công tác tuyên truyền của CATP Hà Nội về vấn đề này như thế nào?

- Với chức năng là cơ quan tham mưu và trực tiếp thực hiện công tác đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động của các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, Phòng CSHS đã phối hợp với các đơn vị chức năng của CATP và Công an các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền tới các tổ dân phố, cụm dân cư, trường học, cơ quan, doanh nghiệp, khu công nghiệp… để người dân nhận thức rõ tác hại của việc sử dụng ma túy dẫn đến ảo giác và cách nhận biết đối tượng “ngáo đá” để phòng ngừa có hiệu quả.

Từ các biện pháp tuyên truyền, người dân đã nắm được và kịp thời phát hiện đối tượng “ngáo đá”, báo ngay cho lực lượng công an xử lý, tránh gây hậu quả xấu như đã diễn ra ở các quận Cầu Giấy, Đống Đa… Do vậy, công tác tuyên truyền phòng ngừa là rất cần thiết, phục vụ tốt công tác phát hiện, kịp thời xử lý có hiệu quả đối tượng sử dụng ma túy dẫn đến “ngáo đá”.

- Đại tá cho biết đối tượng “ngáo đá” có những dấu hiệu đặc trưng gì, để người dân dễ nhận biết, phòng tránh?

- Có 5 dấu hiệu đặc trưng của các đối tượng “ngáo đá”: Mắt đảo điên, nghiến răng, thở nhanh, ngứa ngáy; Cách giao tiếp bất thường với những người xung quanh, kể cả người thân, bạn bè, hàng xóm và hay nói nhảm; Tự gây thương tích cho mình hoặc người khác bằng hung khí; Có những hành động vô thức lặp đi lặp lại; Dễ nổi cáu, nổi giận, mất kiểm soát bản thân và có những hành vi vô thức.

- Xin cảm ơn Đại tá!