Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải: Không cho phép cán bộ đợi có "màu mè" mới cấp sổ đỏ cho dân

ANTD.VN -Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, nếu không có giải pháp, đến năm 2030 dự kiến Hà Nội sẽ có 7,5 triệu xe máy và 1,9 triệu ô tô, năng lực đảm bảo môi trường của thành phố sẽ… không thể chịu nổi.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, nếu không có giải pháp, đến năm 2030 dự kiến Hà Nội sẽ có 7,5 triệu xe máy và 1,9 triệu ô tô, khả năng đảm bảo môi trường của thành phố sẽ… không thể chịu nổi.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu chỉ đạo tại hội nghị sáng 23-6

Sáng nay, 23-6, chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị giao ban quý II-2017 giữa Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội với các quận, huyện, thị xã, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết, Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa rất nhanh với mục tiêu đến 2020 đảm bảo tỷ lệ đô thị hóa đạt 60%, kéo theo đó là rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Trước hết, áp lực về vấn đề môi trường ngày càng gia tăng.

Theo Bí thư Thành ủy, hiện tình trạng môi trường ở Thủ đô vẫn là vấn đề cấp bách, đáng báo động, dù thành phố đã có nhiều nỗ lực nhưng kết quả chưa đạt yêu cầu. Trong đó, các phương tiện giao thông vận tải là nguyên nhân của 70-90% nguồn ô nhiễm ở thành phố, 10-30% còn lại là nguồn ô nhiễm từ các khu công nghiệp, công trình xây dựng. Ngoài ra Hà Nội cũng có đến 1.350 làng nghề, trong đó 50 làng nghề đã ô nhiễm ở mức nghiêm trọng…

“Nếu chúng ta không có các biện pháp quản lý ngay từ đầu thì thế hệ tương lai của thành phố sẽ phải chịu gánh nặng về ô nhiễm môi trường rất trầm trọng. Vì thế, thành phố đã phải ra một nghị quyết riêng về công tác đảm bảo môi trường để tập trung nguồn lực vào đẩy mạnh công tác này. Song để nghị quyết đi được vào cuộc sống, để Hà Nội thực sự là môi trường đáng sống cho mọi người, thì tất cả hệ thống chính trị của Thủ đô phải cùng vào cuộc một cách quyết liệt và trách nhiệm” – Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nói,

Người đứng đầu Đảng bộ TP đề nghị, từng cơ quan, đơn vị, cấp ngành của thành phố phải xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, phù hợp với yêu cầu, tập trung vào 3 lĩnh vực chính là: bảo vệ nguồn nước mặt để sử dụng bền vững tài nguyên nước; quản lý tốt các nguồn xả thải, xử lý nghiêm, tránh tình trạng đua nhau xả thải, té nước theo mưa; quản lý có hiệu quả chất thải nguy hại và chất thải rắn.

Nói kỹ hơn về các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí, tiếng ồn ở Thủ đô, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, thành phố đã có kế hoạch, chương trình về kiểm soát phương tiện cá nhân và tới đây sẽ trình ra HĐND TP xem xét.

“Hiện toàn thành phố có khoảng 5,2 triệu xe máy, 470.000 ô tô, đến năm 2020 dự kiến sẽ tăng lên 6-6,5 triệu xe máy, 600.000-700.000 ô tô, đến 2030 dự kiến tiếp tục tăng lên 7,5 triệu xe máy và 1,9 triệu ô tô…, như vậy khả năng đảm bảo môi trường của thành phố sẽ không thể chịu nổi nếu không có giải pháp hiệu quả và quyết liệt” – Bí thư Thành ủy phân tích.

Quang cảnh hội nghị giao ban trực tuyến quý II-2017 giữa Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã

Ngoài các giải pháp đã nêu ra, Bí thư Thành ủy đề nghị các cấp, các ngành của thành phố phải phân công phân nhiệm rõ ràng, đảm bảo tiến độ thực hiện, tăng cường vận động tuyên truyền nâng cao ý thức nhân dân và trước hết chính quyền, cán bộ phải làm gương. Nếp văn hóa về bảo vệ môi trường, vứt rác đúng nơi quy định phải đi vào từng cán bộ đảng viên, từng người dân Thủ đô.

Về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, dù mới thực hiện nghị quyết được 10 tháng nhưng kết quả rất rõ nét, nhiều quận/ huyện đã đạt 100% tỷ lệ cấp chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa; cấp giấy chứng nhận sử dụng đất lần đầu ở nhiều địa phương cũng đã đạt 97-98%.

Đánh giá cao kết quả này, song Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cũng nhấn mạnh: “Dù tỷ lệ chưa được cấp sổ đỏ còn lại rất ít, nhiều nơi chỉ còn 1-3%, nhưng đây lại là những trường hợp khó giải quyết nhất, vướng mắc nhiều nhất, đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ngành thì mới tháo gỡ được.

Chắc chắn vẫn còn những nơi, những chỗ có nhũng nhiễu, cán bộ ngồi chờ dân xem có “màu mè” gì không thì mới cấp, mới trả giấy chứng nhận cho dân. Những tiếng phàn nàn như vậy của dân dù chỉ còn lại phần nhỏ thôi nhưng phải quan tâm, phải lắng nghe cho được để có biện pháp tháo gỡ”.

Theo Bí thư Thành ủy, giải quyết được tốt vấn đề đất đai, vấn đề giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chính là loại bỏ, giảm bớt được 70-80% số vụ khiếu nại tố cáo về đất đai bởi các báo cáo đều cho thấy, hiện trên 70% số vụ khiếu nại tố cáo của dân có liên quan đến đất đai.

Về công tác đảm bảo ATGT, trật tự văn minh đô thị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết, thực tế Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực, các quận huyện đều rất quan tâm. Tuy vậy, vẫn còn tình trạng buông lỏng quản lý, vẫn còn cán bộ quận huyện, xã phường ngồi trong phòng lạnh chứ không phân công nhau đi kiểm tra, nhiều nơi dẹp vỉa hè xong dân lại bày ra nhưng không ai nhắc, không coi đó là việc của mình hoặc coi như mình đã xong việc.

“Ngay các đoàn kiểm tra của thành phố, quận huyện đi kiểm tra nhiều nhưng đến nay cũng chưa thấy đề xuất xử lý được trường hợp cụ thể nào. Nếu không kiên quyết xử lý như vậy thì hôm sau lại đầu voi đuôi chuột thôi. Đây là việc không thể chấp nhận được” – Bí thư Thành ủy nói.

Còn về xử lý vi phạm trật tư xây dựng, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đề nghị, các cơ quan chức năng phải đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ, trường hợp vi phạm đã  được giao, phải kiên quyết xử lý các công trình vi phạm. Những trường hợp phát sinh mới phải giải quyết ngay. Theo Bí thư Thành ủy, hiện tình hình vi phạm trật tự đô thị, trật tự xây dựng chưa giảm, cần phải kiểm điểm lại. Nếu tiếp tục buông lỏng, số này chắc chắn ngày càng tăng.