Bị kiểm tra liên tục, doanh nghiệp vẫn thờ ơ với cơ chế một cửa

ANTD.VN - Hoạt động kiểm tra chuyên ngành quá mức cần thiết đang làm tăng chi phí bất hợp lý và tạo gánh nặng quá mức đối với doanh nghiệp.

Nên chuyển từ kiểm tra chuyên ngành từng lô hàng sang đánh giá rủi ro

Hội nghị tuyên truyền về Cơ chế một cửa quốc gia, Đề án kiểm tra chuyên ngành và tạo thuận lợi thương mại diễn ra ngày 26-6 có rất ít doanh nghiệp tham gia, mặc dù nội dung liên quan trực tiếp đến quyền lợi của doanh nghiệp. 

Không vi phạm vẫn kiểm tra

Đại diện Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) cho rằng, dù đã có những cải tiến mạnh mẽ về thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa, chủ yếu do trở ngại từ thủ tục kiểm tra hàng hóa chuyên ngành. Đây cũng được coi là một trong những nút thắt trong cải cách thủ tục hành chính, theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP. Trong khi thủ tục hải quan chỉ chiếm 28% thời gian thông qua hàng hóa, thì thủ tục kiểm tra chuyên ngành chiếm tới 72% và làm tăng chi phí kinh doanh của doanh nghiệp. 

Tổng cục Hải quan cho biết, hiện nay, tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan còn khoảng 30%. Đây là tỷ lệ rất cao trong khi tỷ lệ không đạt yêu cầu rất thấp, chỉ dưới 1%. Đơn cử, số liệu từ Cục Hải quan TP.HCM cho thấy, năm 2016, đơn vị này chỉ phát hiện 30/67.224 lô hàng, tương đương 0,04% không đạt yêu cầu về kiểm tra an toàn thực phẩm. “Nghị quyết 19/NQ-CP đã yêu cầu giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 30-35% xuống còn 15% vào năm 2016. Tuy nhiên, mục tiêu này đến nay chưa đạt được”- đại diện VPSF nói. 

Thừa nhận thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn nhiều vướng mắc, ông Đào Duy Tám - đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, hệ thống văn bản liên quan đến quy định xuất nhập khẩu hàng hóa nhiều nhưng chưa đồng bộ, thiếu hướng dẫn quy trình, hồ sơ và thời hạn quy định thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Ví dụ, với các văn bản liên quan đến kiểm tra chuyên ngành kiểm dịch động thực vật, các cơ quan có thẩm quyền còn chưa ban hành mã HS nên khi áp dụng thủ tục hải quan điện tử gặp khó khăn. “Các bộ, ngành cần sớm rà soát lại văn bản quy định pháp luật, thu hẹp danh mục, chuyển thời gian bắt buộc kiểm tra ở khâu thông quan về sau thông quan, thực hiện chuyển từ kiểm tra trực tiếp từng lô hàng sang đánh giá rủi ro”- ông Đào Duy Tám nói. 

Cơ chế một cửa quốc gia quá chậm

Cơ chế một cửa quốc gia cho phép người khai hải quan gửi thông tin, chứng từ điện tử để thực hiện thủ tục hải quan và thủ tục của cơ quan quản lý Nhà nước liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua một hệ thống thông tin tích hợp. Cơ quan quản lý Nhà nước quyết định cho phép hàng hóa được xuất nhập khẩu, quá cảnh, cơ quan hải quan quyết định thông quan, giải phóng hàng hóa trên hệ thống thông tin tích hợp. Cơ chế một cửa quốc gia quy định chỉ có 1 điểm tiếp nhận, 1 điểm trao đổi thông tin và 1 điểm phản hồi kết quả, từ đó tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.

Về cơ chế này, ông Đào Huy Giám - Tổng Thư ký VPSF cho hay, Việt Nam triển khai quá chậm trong khi các nước trong khu vực ASEAN đã đi trước. Singapore đã thực hiện cơ chế một cửa từ lâu và tận dụng được các cơ hội thương mại thuận lợi. Tại Việt Nam, cơ chế một cửa quốc gia không những chậm triển khai, mà các bộ, ngành cũng khá thờ ơ.

Sau 1 năm triển khai, số lượng các bộ tham gia mới ở con số 11. “Tuy nhiên, đây mới là tham gia, còn mức độ tham gia của bộ, ngành để đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp vẫn khó đánh giá. Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp cũng chưa quan tâm tới quyền lợi của mình nên những hội nghị như thế này mà rất ít doanh nghiệp có mặt” - ông Đào Huy Giám nói. 

Cho rằng nhiều doanh nghiệp chưa phối hợp tốt với cơ quan quản lý, đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, nhiều doanh nghiệp lợi dụng kiểm tra chuyên ngành để kéo dài thời gian nộp thuế. Nếu doanh nghiệp tự nguyện thực hiện tốt các quy định, hàng hóa nhập khẩu đáp ứng đủ tiêu chuẩn quy định thì thời gian, thủ tục thông quan cũng đơn giản hơn.