Bạo hành trẻ ở trường Mầm Xanh: Phải xem xét trách nhiệm cơ quan quản lý địa phương

ANTD.VN - Nói về vụ bạo hành trẻ tập thể tại cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, đây không chỉ là vấn đề đạo đức nhà giáo mà là hành vi vi phạm pháp luật.

Trao đổi về hiện tượng bạo hành trẻ mầm non Mầm Xanh tại quận 12, TP Hồ Chí Minh, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, đây là hành vi vi phạm không chỉ của một cá nhân mà là của một tập thể các cô bảo mẫu trong đó có chủ cơ sở. Do đó, TS Nguyễn Tùng Lâm đề nghị phải chỉ rõ nguyên nhân vụ việc để giải quyết thấu đáo.

"Tình trạng bạo hành trẻ đã nhiều lần xảy ra ở các cơ sở mầm non. Đầu tiên, phải khẳng định đây là hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, điều mọi người băn khoăn là vì sao vẫn cứ tiếp diễn vụ này đến vụ kia?"  -TS Tùng Lâm chia sẻ.

TS Nguyễn Tùng Lâm đánh giá công tác quản lý lỏng lẻo là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hàng loạt vụ bạo hành trẻ mầm non

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, nguyên nhân đầu tiên là việc ngày càng có nhiều cá nhân tham gia mở trường, mở lớp trông trẻ nhưng hoàn toàn vì lợi nhuận chứ không xuất phát từ tâm thế yêu trẻ, chăm sóc tốt để trẻ phát triển đầy đủ. Ở cơ sở  mầm non Mầm Xanh, cả chủ cơ sở cũng tham gia bạo hành trẻ cùng các bảo mẫu khác là ví dụ điển hình.

Thứ hai là các bảo mẫu không được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, không nắm bắt được tâm lý trẻ, dẫn tới khi trẻ khóc quấy, không ăn, ngủ theo yêu cầu thì cô trông đã đánh mắng, dọa nạt trẻ bằng các hành động bạo lực khác.

Hành vi bạo hành trẻ dù đã được xử lý nhiều nhưng vẫn tiếp tục tái diễn

"Các cô không nhận thức được mình đã vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là chính quyền địa phương, các cấp quản lý về chuyên môn đã buông lỏng quản lý. Ở đây, phải làm rõ, trình độ của chủ cơ sở mầm non Mầm Xanh có đáp ứng điều kiện mở lớp trông trẻ không?

Chưa kể việc thuê đội ngũ bảo mẫu trông trẻ không qua đào tạo hoặc đào tạo không đến nơi đến trốn, dẫn tới hành vi bạo hành trẻ mà vẫn được duy trì hoạt động của nhóm lớp thì vai trò, trách nhiệm của các cấp quản lý ở đây rõ ràng là có vấn đề" - ông Nguyễn Tùng Lâm phân tích.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Tùng Lâm, việc siết chặt điều kiện mở trường, nhóm lớp tư thục trông giữ trẻ cần phải được đặc biệt quan tâm, nhất là ở các khu vực, địa phương có nhiều người dân lao động, công nhân thu nhập thấp, nhu cầu gửi trẻ cao.

Nếu không quản lý được, phó mặc cho nhu cầu thực tế thì sẽ dẫn tới tình trạng vì lợi nhuận mà nhận trông giữ trẻ nhưng lại không có chuyên môn, ảnh hưởng lớn tới tâm lý, phát triển thậm chí là thân thể, tính mạng của trẻ trong quá trình chăm sóc trẻ.