Báo chí trí tuệ, lành mạnh vẫn còn nguyên… "đường sống"

ANTD.VN - Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển với tốc độ vũ bão, kéo theo đó là sự thay đổi chóng mặt và khó kiểm soát của những phương cách truyền tải thông tin mới, các loại hình báo chí chính thống đang phải đứng trước sức ép rất lớn. 

Báo chí trí tuệ, lành mạnh vẫn còn nguyên… "đường sống" ảnh 1Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam

Vậy báo chí cần thay đổi gì để tiếp tục đứng vững, phát triển và khẳng định được vai trò của mình đối với đời sống xã hội? Đâu là giải pháp để tháo gỡ bài toán cực kỳ nan giải về “kinh tế báo chí” mà rất nhiều cơ quan báo chí đang phải đối mặt?... Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc phỏng vấn ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Thư ký Liên đoàn các nhà báo ASEAN.

Là một nhà báo, một nhà quản lý báo chí, ông nhận xét gì về sự thay đổi và xu hướng của báo chí nước ta hiện nay so với 5-7 năm trước, thưa ông?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Báo chí Việt Nam thời gian qua vẫn tiếp tục phát huy được vai trò, vị trí hết sức quan trọng với xã hội, bám sát được thực tiễn đời sống của đất nước, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Báo chí vẫn giữ được tính định hướng đúng đắn và vẫn đang tiếp tục phát triển với tốc độ cao cả về chất lượng lẫn số lượng. Hiện cả nước có gần 900 cơ quan báo chí với khoảng 20.000 nhà báo được cấp thẻ.

Tuy vậy, đang có những biến đổi rất sâu sắc trong đời sống báo chí, đó là sự chuyển dịch từ báo chí truyền thống sang xu hướng báo chí truyền thông đa phương tiện, truyền tải thông tin cực kỳ nhanh. Đã xuất hiện những phương thức truyền thông mới, đặt báo chí trước những thách thức rất nặng nề, cách thức làm báo truyền thống đang gặp khó khăn. Mạng xã hội đang gây ra áp lực mạnh đối với báo chí. Lợi thế của mạng xã hội là tốc độ truyền tải thông tin, tính liên kết và chia sẻ thông tin rất mạnh, đây là điều báo chí truyền thống chưa theo kịp. 

Mặt khác, từ mạng xã hội có thể gây ra những “cơn bão” dư luận mà đôi khi bắt đầu từ những thông tin không được kiểm chứng. Nếu không tỉnh táo, vội vàng chạy theo thông tin mạng xã hội thì báo chí cũng rất có thể gây ra những sai sót, để lại hậu quả nghiêm trọng. 

Chỉ cách đây vài năm, chúng ta nhận định rằng thời của báo in rồi sẽ qua, thời của báo điện tử, truyền hình sẽ đến. Thế nhưng với tốc độ phát triển chóng mặt của công nghệ, sự ra đời của mạng xã hội thì hiện nay, có vẻ như thời của báo điện tử, truyền hình cũng đang hết sức khó khăn, thưa ông?

Đúng là với sự phát triển mạnh mẽ và chưa được kiểm soát của mạng xã hội như hiện nay, không chỉ báo in mà cả truyền hình, phát thanh, báo điện tử đều bị tác động, chịu sức ép lớn. Bởi một người dân chỉ cần một  chiếc điện thoại thông minh đã có thể cung cấp thông tin bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, có thể bằng ngôn từ, có thể bằng âm thanh, có thể bằng hình ảnh. Thậm chí đã xuất hiện khái niệm “báo chí công dân”, tức ai cũng có thể trực tiếp cung cấp thông tin, truyền tin, bình luận…

Thế nhưng, trong chính sự lấn lướt và tác động mạnh mẽ của mạng xã hội như vậy, lại càng thấy được vai trò không thể thay thế của báo chí. Xã hội càng cần báo chí đưa những thông tin chính xác, những thông tin đã được kiểm chứng, những thông tin có ích, phục vụ cho lợi ích của đất nước, cộng đồng. Báo chí phải định hướng thông tin, giúp cho công chúng hiểu đúng đắn các vấn đề, các sự kiện đang diễn ra. Nói cách khác, thách thức rất lớn, song bên cạnh đó, vẫn có những cơ hội lớn cho báo chí. 

Vậy dưới áp lực của mạng xã hội, những cơ hội của báo chí truyền thống như ông đã nói, cụ thể là gì, thưa ông?

Chúng ta không thể loại trừ, cũng không thể đối lập báo chí với mạng xã hội mà giữa báo chí với mạng xã hội vẫn có thể tương tác. Mạng xã hội là một biển thông tin xô bồ, hỗn tạp nhưng trong đó cũng có nhiều thông tin chính xác, hữu ích, nếu nhà báo biết tiếp cận với các nguồn thông tin này bằng thái độ khách quan, khoa học, tỉnh táo, với một phong cách làm việc nghiêm túc, chuẩn mực, kiểm chứng thông tin đầy đủ thì hoàn toàn có thể khai thác hiện quả các thông tin từ mạng xã hội. Theo tôi, báo chí chỉ có thể tồn tại được trong thời đại thông tin công nghệ số hiện nay bằng chính sự tin cậy của công chúng. Cái ý nghĩa nhân văn cao cả nhất của báo chí, đó chính là đấu tranh để bảo vệ sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải.

Vấn đề đau đầu nhất của báo chí hiện nay là “kinh tế báo chí” do việc phát hành có xu hướng giảm mạnh, quảng cáo có xu hướng chuyển dịch sang nhiều loại hình truyền thông mới, mạng xã hội… Vậy làm thế nào để các tòa báo chính thống có thể sống được, phát triển được mà vẫn giữ được tôn chỉ mục đích của mình, thưa ông?

Tôi xin nhấn mạnh lại, phát triển tờ báo theo định hướng nâng cao chất lượng nội dung, cung cấp thông tin chính xác, trung thực, sinh động đến người dân là con đường sống của báo chí. Không thể khác được. Còn cách thức thực hiện, giải pháp thì rất đa dạng. Hiện nay, để thích ứng với thời cuộc và tìm đường sống cho mình trong bối cảnh đầy khó khăn, một mặt các cơ quan báo chí đang xác định lại xem loại hình báo chí nào là thế mạnh, chủ lực của mình để đầu tư, xây dựng thương hiệu và đồng thời với đó là phát triển thêm các phương tiện truyền thống mới, hướng đến mô hình truyền thông đa phương tiện, tích hợp thông tin, truyền tải thông tin bằng những phương tiện công nghệ mới.

Tháng 5 vừa rồi, tôi có dịp được tham gia đoàn đại biểu của Đảng ta sang Trung Quốc dự Hội thảo lý luận giữa hai Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, truyền thông và được biết: Trước đây vào lúc cao điểm của phát hành báo in ở Trung Quốc, tờ “Nhân dân nhật báo” (cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc) phát hành tới 3,5 triệu bản/ngày. Thế nhưng các đồng nghiệp Trung Quốc vẫn chưa hài lòng mà tiếp tục đi đầu trong việc phát triển, mở ra các phương tiện truyền thông mới dựa trên công nghệ, kỹ thuật số, điện thoại thông minh…

Và hiện nay, lượng người truy cập các thông tin từ “Nhân dân nhật báo” đã lên tới 650 triệu lượt/ngày. Lượng truy cập lớn đồng nghĩa với các cơ hội về kinh tế. Điều đó khẳng định, vẫn có thể làm báo đúng định hướng mà vẫn phát triển được. Báo chí chính thống, báo chí trí tuệ vẫn có cơ hội để phát triển.

Khoảng 2 năm qua, số lượng các nhà báo vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp đến mức bị xử lý có vẻ gia tăng. Cảm nghĩ của ông như thế nào?

Trong đội ngũ làm báo chúng ta hiện nay hầu hết là những người làm báo trách nhiệm, có lòng tự trọng, có đạo đức nghề nghiệp, song cũng còn một số nhà báo hoặc người mang danh là nhà báo có các hành vi không chuẩn mực, vi phạm cả pháp luật lẫn đạo đức người làm báo. Những biểu hiện như moi móc thông tin vì các động cơ vụ lợi, bị lôi kéo, cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, phục vụ các lợi ích nhóm, ý đồ không trong sáng… Đây là những hiện tượng rất đáng lo ngại.

So với đội ngũ 20.000 nhà báo được phát thẻ, số lượng nhà báo hoặc người mang danh nhà báo vi phạm như trên chiếm tỷ lệ rất nhỏ, song tác động của nó lại rất nghiêm trọng, làm suy giảm uy tín của báo chí, làm tổn thương danh dự và tự trọng của những người làm báo chân chính.

Hội Nhà báo Việt Nam đã thành lập hệ thống Hội đồng xử lý vi phạm 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo từ Trung ương cho đến các cấp hội trong cả nước. Hội đồng này sẽ theo sát hoạt động của các hội viên nhà báo ở các cơ quan báo chí, kịp thời phát hiện các sai phạm để có các hình thức xử lý phù hợp.

Nhân ngày kỷ niệm báo chí cách mạng Việt Nam (21-6) đang đến gần, ông có thông điệp gì muốn gửi tới những người làm báo ở Việt Nam?

Đời sống báo chí năm 2017 được bắt đầu bằng một sự kiện rất có ý nghĩa, đó là Luật Báo chí năm 2016 và 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp bắt đầu có hiệu lực. Đạo đức nghề nghiệp là nền tảng, là cốt lõi của hoạt động báo chí. Báo chí khẳng định vai trò, vị trí đặc biệt của mình đối với xã hội bằng tính khách quan, sự công tâm, tôn trọng sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải. Báo chí vừa phải đảm bảo tính chiến đấu nhưng cũng vừa phải nêu cao tinh thần nhân văn. Ánh sáng nhân văn phải được tỏa ra từ những ngòi bút có đạo đức của những người làm báo chính trực. 

Hy vọng với việc thực hiện nghiêm Luật Báo chí năm 2016 và 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, đời sống báo chí Việt Nam thời gian tới sẽ có những khởi sắc, tiếp thêm động lực để các nhà báo vượt qua các khó khăn, hoàn thành tốt trọng trách của mình đối với xã hội.

Trân trọng cảm ơn ông!