Bàn chế tài xử phạt thương lái nước ngoài ép giá, lũng đoạn hàng hóa trong nước

ANTD.VN - "Luật phải có chế tài xử phạt hợp lý để doanh nghiệp trong nước cạnh tranh lành mạnh, ngăn chặn các đối tượng có hành vi tiếp tay cho doanh nghiệp nước ngoài gây tổn hại tới nền kinh tế đất nước", ĐB Nguyễn Thanh Thủy (đoàn Hậu Giang) nói.

Sáng 25-5, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý ngoại thương; sau đó thảo luận tại hội trường về dự án luật này.

Tham gia thảo luận, tất cả các đại biểu (ĐB) đồng tình với việc cần thiết cho ra đời luật, nhằm đảm bảo việc quản lý nhà nước về ngoại thương được thuận lợi, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Góp ý xây dựng luật, ĐB Nguyễn Thanh Thủy (đoàn Hậu Giang) cho rằng dự thảo luật chỉ áp dụng với đối tượng là hàng hóa mà không điều chỉnh dịch vụ, trong khi thực tế các dịch vụ liên quan tới ngoại thương là rất nhiều và quan trọng như logistics, kho bãi, thanh toán ngân hàng…

“Cần xem xét mở rộng đối tượng điều chỉnh của luật để đảm bảo đồng bộ, thực thi hiệu quả hơn”, ĐB Nguyễn Thanh Thủy đề nghị. 

Bàn chế tài xử phạt thương lái nước ngoài ép giá, lũng đoạn hàng hóa trong nước ảnh 1

ĐB Nguyễn Thanh Thủy đề nghị luật phải ngăn chặn, chế tài xử phạt các đối tượng có hành vi tiếp tay cho doanh nghiệp nước ngoài gây tổn hại tới nền kinh tế đất nước.

Đề cập tình trạng thời gian qua thương lái nước ngoài thu mua, chèn ép hàng hóa trong nước và hàng hóa nước ngoài kém chất lượng tràn vào giả danh hàng hóa Việt Nam, ĐB Nguyễn Thanh Thủy đề nghị luật phải có chế tài xử phạt hợp lý để doanh nghiệp trong nước cạnh tranh lành mạnh, ngăn chặn các đối tượng có hành vi tiếp tay cho doanh nghiệp nước ngoài gây tổn hại tới nền kinh tế đất nước.

ĐB Phạm Văn Tuân (đoàn Thái Bình) cùng một số ĐB cho rằng dự thảo luật giao quá nhiều nội dung cho Bộ trưởng và Bộ Công thương hướng dẫn và thực thi.

“Như thế muốn thi hành luật phải có rất nhiều văn bản hướng dẫn kèm theo. Đề nghị ban soạn thảo rà soát theo hướng những nội dung nào có thể quy định chi tiết ngay tại dự thảo luật, để đảm bảo nguyên tắc công khai minh bạch, nhằm ngăn ngừa những bất cập, cơ chế xin cho. Mặt khác, phải quy định thêm điều khoản trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công thương trong việc cải cách thủ tục hành chính, áp dụng khoa học, công nghệ thông tin trong việc điều hành, cấp giấy phép, quản lý hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong thực hiện luật này ”, ĐB Phạm Văn Tuân kiến nghị. 

Dự thảo Luật Quản lý ngoại thương gồm 8 chương, 117 điều, quy định về các biện pháp quản lý ngoại thương, phát triển hoạt động ngoại thương hàng hóa; giải quyết tranh chấp về áp dụng các biện pháp quản lý ngoại thương. Luật có hiệu lực thi hành từ 1-1-2018.

Trong khi đó, ĐB Ngô Đức Mạnh (đoàn Bình Thuận) đề nghị cần phải tính toán để có những điều khoản quy định liên quan hoạt động xúc tiến thương mại ở tầm quốc gia, để kết nối các doanh nghiệp, kết nối thông tin với tất cả thông tin buôn bán hàng hóa, nhu cầu doanh nghiệp… giúp các hoạt động này phát huy được tiềm năng và giá trị của nó trong thời kỳ mới.

Cho rằng nhiều quy định, điều khoản quy định chưa hết phạm vi đối tượng áp dụng, nhiều ĐB đề nghị bổ sung. ĐB Tô Thị Bích Châu (TP.HCM) cho biết các nước đều quy định ngoại thương hàng hóa bao gồm hàng hóa hữu hình và hàng hóa vô hình như phần mềm điện tử, sản phẩm công nghệ thông tin… nhưng dự thảo luật chưa nhắc tới hàng hóa vô hình, đề nghị bổ sung để tránh bỏ sót loại hàng hóa cũng khá phổ biến này.

Tương tự, ĐB Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) cho rằng trong quy định xuất nhập khẩu mới đề cập tới đất liền, chưa nhắc tới cảng biển, cảng hàng không trong hoạt động xuất nhập khẩu. 

Phát biểu cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đánh giá ý kiến đóng góp của các ĐB đều rất xác đáng, ban soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ để hoàn thiện luật.

Tin cùng chuyên mục