Bài toán chia sẻ lợi ích

ANTD.VN - Đêm 28-2, chỉ sau khi lực lượng chức năng kiên quyết dùng biện pháp mạnh để xử lý vi phạm, các nhà xe chạy tuyến Thái Bình - Hà Nội, Nam Định - Hà Nội mới chịu bỏ vị trí “cố thủ” trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, nơi gần 100 xe khách từ 2 tỉnh này đã tụ tập từ sáng 28-2 nhằm phản đối chủ trương điều chỉnh luồng tuyến xe khách của Sở GTVT Hà Nội. 

Đây là lần thứ hai các nhà xe có phản ứng tiêu cực với quy định thay đổi luồng tuyến. Lần đầu xảy ra vào cuối tháng 12-2016, khi một số nhà xe “quây” bến xe Mỹ Đình trước thời điểm chính thức áp dụng quy định mới.

Trước hết, phải khẳng định việc điều chỉnh luồng tuyến xe khách là đúng theo các quy hoạch đã được duyệt, xu hướng điều hành giao thông hiện đại trên thế giới và tình hình giao thông trên địa bàn Hà Nội. Đây là giải pháp bắt buộc để hạn chế ùn tắc trên tuyến vành đai 3 và hướng tới mô hình quản lý, điều hành giao thông khoa học, bền vững.

Thế nhưng, rõ ràng, khi có thay đổi lớn về luồng tuyến, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải không thể tránh khỏi xáo trộn. Nhiều nhà xe than khổ là có cơ sở. Chuyển tới bến mới, lượng khách giảm mạnh trong khi chi phí lại đội lên nhiều lần nên doanh nghiệp bị lỗ nặng. Có thể nói, cực chẳng đã họ mới phải chạy xe rỗng từ quê nhà lên Hà Nội để bày tỏ sự khó khăn của mình.

Dù vậy, hành động tụ tập, dàn hàng trăm xe tại trạm thu phí Pháp Vân để cản trở giao thông nhằm gây sự chú ý của nhà xe là vi phạm pháp luật về giao thông và thực tế đã được lực lượng chức năng xử lý. Khó khăn là có thật nhưng các doanh nghiệp không nên chọn cách phản ứng tiêu cực để gây sức ép với cơ quan chức năng. Bởi thực tế, thành phố Hà Nội và Bộ GTVT luôn sẵn sàng đối thoại với doanh nghiệp để tìm ra giải pháp tích cực nhất chứ không hề né tránh.

Bằng chứng là sáng 28-2, Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện đã tới ngay hiện trường để xử lý vụ việc và chiều 1-3, các cơ quan liên quan đã có cuộc đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp vận tải. Hà Nội cũng cam kết sẽ tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp vận tải hoạt động trên địa bàn. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cũng sẽ xử lý nghiêm các vi phạm. Thực tế, 5 nhà xe cố tình không chấp hành điều chỉnh luồng tuyến đã bị cắt nốt, không cho vào các bến của thành phố.

Ở vai trò trung gian, đơn vị quản lý, khai thác Bến xe Nước Ngầm, nơi dường như có lợi nhất trong bối cảnh hiện nay, càng nên chia sẻ với thành phố và các nhà xe. Nếu có tầm nhìn dài hạn và tinh thần vì cộng đồng, bến xe Nước Ngầm không nên thu của nhà xe 2 lần phí bến bãi và tới 18 triệu đồng/tháng tiền thuê quầy bán vé chỉ rộng chưa đầy 2m2.

Chi phí “cắt cổ” khiến nhà xe ức chế chỉ còn biết than: “Thuê bán hàng tại Tràng Tiền Plaza cũng chỉ đắt đến thế là cùng!”. Dù hoàn toàn là mối quan hệ kinh tế nhưng ở đây, bến xe cần chia sẻ gánh nặng chi phí với nhà xe thay vì buộc thêm vào cổ họ những quả tạ.

Với những chính sách mới, khó có thể tìm được giải pháp đảm bảo lợi ích của tất cả các bên. Trong trường hợp này, lợi ích của cộng đồng cần được đặt lên trên hết. Cơ quan quản lý - nhà xe - bến xe cần thống nhất quan điểm này để có thể tìm được tiếng nói chung, giữ sự ổn định trong hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn Thủ đô.