NSƯT Hồng Kỳ: 25 năm chỉ thích hát một bài

ANTĐ - Ở độ tuổi lên mười, Hồng Kỳ đã nổi tiếng với ca khúc “Lời tâm sự của chú gà trống”, thế nhưng con đường đến với nghệ thuật của anh chẳng vì thế mà suôn sẻ. Năm 1972, anh thi vào trường Âm nhạc, đạt điểm cao nhất nhưng lại không thể học. Kể cả khi anh xin đi bộ đội thì cũng không trúng tuyển, vì cơ bản là thấp bé nhẹ cân (40kg). Nhưng rồi, Hồng Kỳ vẫn cứ say mê cùng cuộc viễn du trong đời nghệ sĩ.

NSƯT Hồng Kỳ: 25 năm chỉ thích hát một bài ảnh 1 Nghệ sĩ Hồng Kỳ trên sân khấu và ngoài đời

Ban đầu, anh về đoàn ca nhạc Đài Phát thanh và khởi nghiệp từ đây. Anh còn nhớ đã từng được nhạc sĩ Cao Việt Bách dàn dựng cho hát ca khúc “Tiếng hát từ quảng trường Ba Đình”, một sáng tác của ông, nhân chào mừng lễ khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (29-8-1975). Vậy rồi 4 năm trôi qua, anh học được nhiều thứ và làm được nhiều việc, nhất là giọng hát được phủ sóng liên tục. Muốn được bay nhảy đi hát khắp mọi nơi, Hồng Kỳ chuyển sang đoàn Văn công Đường sắt, được 1 năm sau đó lại xin về ban nhạc của Liên đoàn Xiếc để vừa được hát vừa đánh trống, tạo nên một phong cách mới trẻ trung, sôi động. Thì ra tự lúc nào anh đã học đánh trống với sự say mê đến kỳ lạ. Cách anh tiếp cận với hình ảnh nhạc trẻ đậm chất Nga ngày đó đã gây được sự mới lạ và cuốn hút. Trong thời gian này, anh còn đi chơi trống trong một ban nhạc chuyên phục vụ cho sàn khiêu vũ quốc tế vào mỗi thứ bảy hàng tuần. Chính từ đây, Hồng Kỳ gắn bó với hình ảnh sinh động qua ca khúc “Điệu nhảy trên trống”. Một hiệu ứng âm nhạc Hồng Kỳ xuất hiện như một làn gió mới. 

Sau này, khi được tuyển về Nhà hát Tuổi trẻ, từ năm 1980, giọng hát Hồng Kỳ càng phát huy được nét tươi mới với những ca khúc dành cho khán giả trẻ. Từ đó đoàn ca nhạc của Nhà hát Tuổi trẻ cùng với lứa ca sĩ ban đầu như Trọng Thủy, Kim Phúc, Thu Phương, Hoài Phương… Hồng Kỳ tạo được dấu ấn khác biệt với giọng hát bay bổng, sôi động với những nhịp điệu trên trống. Liên tiếp trong những năm sau đó, Hồng Kỳ đoạt nhiều HCV và HCB, qua các kỳ Hội diễn ca nhạc chuyên nghiệp toàn quốc và quốc tế. Không những thế, trong khoảng giữa thập niên này Hồng Kỳ còn thực hiện được ước mơ của mình là học Đại học tại chức khóa đầu tiên tại Nhạc viện Hà Nội (Niên khóa 1985-1990). Từ đó, phong cách âm nhạc của Hồng Kỳ ngày càng rõ nét và có sức cuốn hút với khán giả trẻ. Hình ảnh tiêu biểu một thập kỷ đầu tiên của Hồng Kỳ, từ 1980 đến 1990 gắn bó với Nhà hát Tuổi trẻ, chính là sự xuân sắc của một giọng hát trong trẻo, tươi sáng gắn với tiết điệu trống kỳ thú.  

Giờ thì Hồng Kỳ xuất hiện ở đâu, trẻ con đều gọi anh bằng cái tên Alibaba. Tính cho đến nay đã chừng 25 năm, kể từ khi lần đầu tiên dựng bài hát này cho đến nay đi đến đâu, bất cứ chương trình nào, khán giả nhỏ tuổi cũng muốn Hồng Kỳ phải hát Alibaba. Hồng Kỳ tâm sự, những ngày lận đận đi tìm bài hát phục vụ cho thiếu nhi không dễ dàng gì. Vào những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ trước, anh đi khắp nơi sưu tầm bài hát thiếu nhi, gặp gỡ các nhạc sĩ. Thậm chí “đặt hàng” nhạc sĩ để sáng tác cho thiếu nhi. Tình cờ trong một chuyến đi miền Nam để tìm thêm những bài hát thiếu nhi, Hồng Kỳ mua được một băng cassette, ghi những bài hát do ca sĩ Nhã Phương hát. Trong đó có bài hát Alibaba do nhạc sĩ Lê Hựu Hà viết lời, trên nền nhạc và giai điệu Nga trong phim “Alibaba và 40 tên cướp”. Và đây là một sự bắt gặp “trời cho” của Hồng Kỳ. Không chần chừ một giây phút Hồng Kỳ vừa nhảy vừa hát ngay khi nghe giai điệu. Cũng kể từ đó Hồng Kỳ là người đầu tiên của Nhà hát trình diễn những ca khúc cho thiếu nhi. Mở đầu bằng Alibaba và sau đó là những ca khúc anh hát từ khi còn nhỏ tuổi như “Lời tâm sự của chú gà trống”, sau này còn là “Tây du ký”, “Thằng Tý sún”, hay “Làm anh”…

Cùng với bài hát, anh còn kể hiệu ứng tương tác khi biểu diễn phục vụ thiếu nhi, hết sức kỳ lạ. Hầu như đến đâu, các em, các cháu đều hát cùng. Anh nhớ lần mới đây ra đảo Trường Sa biểu diễn, mặc dù chương trình phục vụ chỉ có 8 em nhỏ, nhưng vẫn yêu cầu anh hát Alibaba và cũng hát đệm cho anh với những nụ cười giòn tan sau những câu “Alibaba”.  

Được khán giả nhỏ tuổi yêu mến trong suốt ¼ thế kỷ, đó hẳn là niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ. 25 năm trôi qua, đã biết bao lần anh đứng dưới ánh đèn sân khấu, vậy mà, hễ cứ được mặc chiếc áo Alibaba, để hát và kể chuyện cho các em, trong anh vẫn tràn trề niềm vui.